Mùa nấm mối xứ dừa

Khi những cơn mưa dầm cuối tháng 5 âm lịch đổ xuống vườn dừa bạt ngàn cũng là mùa nấm mối mọc rộ ở Bến Tre. Người dân xứ dừa lại bắt đầu thu hoạch đặc sản được thiên nhiên ban tặng mà mỗi năm chỉ xuất hiện một lần, kéo dài khoảng hai tháng trong mùa mưa…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm sạch, sơ chế nấm mối.
Người dân làm sạch, sơ chế nấm mối.

Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới mưa lất phất kéo dài, gia đình bà Trần Thị Hồng Giang (xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) thu mua nấm mối nhiều hơn bình thường. Gần 20 năm qua, gia đình bà Giang buôn bán tạp hóa ở chợ Tam Phước, đến mùa mưa thì mua bán thêm nấm mối tươi.

Bà kể, mấy chục năm trước, nấm mối ở vùng này rất nhiều và thời gian nhổ nấm kéo dài suốt mùa mưa. Giờ đây, do nhà cửa mọc lên nhiều, vườn dừa sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ khiến mối bị chết, nguồn nấm mối cũng hiếm dần. Hiện tại, mỗi kg nấm mối giá lên đến 1,7 triệu đồng. Nhiều người nhổ được 200 g nấm mối đem bán cũng kiếm hơn 200 nghìn đồng. Nấm mối hiếm, người dân càng săn lùng để nhổ bán mỗi khi mùa mưa đến. Trước đây, có ngày bà Giang thu mua vài chục kg nấm mối, giờ được vài kg là nhiều rồi. Khách quen đặt trước, có hàng là bán hết ngay.

Theo người dân địa phương, nấm mối trong vườn dừa ở vùng Tam Phước, Tường Đa, An Khánh, Hữu Định… (huyện Châu Thành) có mùi thơm, dai hơn những vùng khác, cho nên giá thường cao hơn từ 100 đến 200 nghìn đồng/kg. Nấm mối đắt, hiếm, nhiều người có tiền cũng chưa chắc mua được loại ngon để thưởng thức.

Loại nấm này hình thành hoàn toàn từ thiên nhiên, những con mối thợ bò dưới lớp đất, để lại vết nước bọt quanh đường chúng đi như một loại men. Khi kết hợp với mưa dầm, ẩm ướt sẽ mọc lên những cây nấm. Nấm mối thường mọc vào ban đêm, khoảng sáng sớm thì mọc rộ, đến xế trưa nở bung như cây dù rồi tàn. Vì vậy, người dân thường nhổ nấm vào sáng sớm rồi mang ra chợ bán hay chế biến món ăn cho gia đình. Muốn để lâu, người dân thường phơi khô hoặc xào sơ qua với muối ớt rồi bảo quản trong tủ đông dùng dần. Những gò cao có tổ mối ở lâu ngày thường nhiều nấm, người dân dùng tàu dừa chất thành đống ở liếp dừa để "dụ" mối vào ở, từ đó thu hoạch được nấm mối.

Người dân thường chế biến nấm mối tươi thành các món ăn rất ngon, hấp dẫn, như: Nấm mối kho khô, làm nhân bánh xèo, hấp gà, nướng lá cách, xào, nấu cháo... Nấm mối có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Theo một số nghiên cứu y khoa, nấm mối tự nhiên chứa nhiều dinh dưỡng, hàm lượng vitamin, khoáng chất và các hoạt chất có lợi cho việc phòng ngừa một số loại bệnh. Trong nấm mối tự nhiên còn chứa hàm lượng phốt pho khá lớn có khả năng làm giảm lượng đường huyết trong máu,…

Bà Trần Thị Thúy (xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Trước đây nấm mối thường mọc ngoài vườn vào mùa mưa, người dân nhổ lên, cạo sạch lớp bùn rồi rửa sạch, kho khô ăn với cơm. Dùng tươi không hết, nhiều người phơi khô để dành nấu canh ăn quanh năm. Đây là món ngon dân dã mà người xa quê thường nhớ mỗi khi mưa xuống. Nhưng giờ rất hiếm và trở thành đặc sản…".

Khi đến mùa mưa, gia đình ông Nguyễn Văn Đèo (xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cử từng thành viên trong gia đình thay phiên nhau chờ mỗi đêm để thu hoạch nấm mối. Trước đây, khu vườn dừa rộng 2 ha của gia đình ông Đèo mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10 kg nấm mối tươi, bán cũng có số tiền kha khá, mấy năm nay số lượng ngày càng ít dần.

Ông cho biết: "Năm nay mưa nhiều mà gia đình tôi nhổ chưa được tới 1 kg nấm mối. Nguyên nhân chính là do một số người sử dụng thuốc hóa học làm mối chết, nhiều người "săn" nấm mối vào ban đêm trước cả chủ vườn. Khi nấm nở, nhiều người vào vườn thu hoạch vào đêm khuya cho nên nếu chủ vườn mà không trông thì đến sáng chẳng còn bao nhiêu nấm sót lại để nhổ…".

Nấm mối giờ là món ăn thường thấy ở các nhà hàng sang trọng. Năm nào nhà vườn ở Bến Tre cũng mong đến mùa mưa để thu hoạch nấm mối như món quà quý hiếm được thiên nhiên ban tặng...