Lý Nhân hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống cho người dân, những năm qua, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh quan môi trường thôn Lưỡng Xuyên, xã Xuân Khê (Lý Nhân) khang trang, sạch đẹp.
Cảnh quan môi trường thôn Lưỡng Xuyên, xã Xuân Khê (Lý Nhân) khang trang, sạch đẹp.

Huyện Lý Nhân được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí; duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện huyện nông thôn mới nâng cao; triển khai hiệu quả quy hoạch xây dựng vùng huyện, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, hệ thống điện nông thôn... nhân rộng các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2023, huyện Lý Nhân đã huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới 201.200 triệu đồng trong đó ngân sách tỉnh 52.700 triệu đồng, ngân sách huyện 52.370 triệu đồng, ngân sách xã 30.910 triệu đồng, nhân dân đóng góp 7.550 triệu đồng, vốn lồng ghép 16.500 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 16.760 triệu đồng, vốn khác 24.410 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân cho biết: Năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Lý Nhân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng, thực hiện các mô hình. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác này. Các xã đã tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thiện theo Bộ tiêu chí. Huyện Lý Nhân chú trọng ưu tiên các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân như: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương...

Năm 2023 vừa qua, huyện Lý Nhân có ba xã đăng ký và đã hoàn thiện hồ sơ xét, công nhận hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu lên bảy xã trong đó có năm xã nông thôn mới kiểu mẫu và hai xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Trong năm 2024 huyện Lý Nhân phấn đấu có thêm năm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Về công tác tổ chức thực hiện, huyện Lý Nhân đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện phân công trách nhiệm cho từng thành viên về địa bàn, lĩnh vực phụ trách thường xuyên theo dõi, nắm bắt và đôn đốc việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị liên quan duy trì thường xuyên lịch giao ban để kịp thời có chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Huyện phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc xây dựng, thực hiện và nhân rộng các mô hình trong xây dựng nông thôn mới; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên.

Huyện yêu cầu các xã rà soát, đánh giá đúng thực trạng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2021-2025 để có biện pháp thực hiện hiệu quả; trong đó, ưu tiên các nhóm tiêu chí về sản xuất để tăng thu nhập cho người dân; thực hiện tốt tiêu chí về môi trường bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp. Đặc biệt, huyện huy động tối đa các nguồn lực trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tập trung huy động, lồng ghép, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.