Các tôn giáo đồng hành nông thôn mới

Ninh Bình là một tỉnh trọng điểm về công tác tôn giáo, nơi các giá trị đạo đức, tinh thần và nguồn lực từ các tổ chức tôn giáo đã được phát huy mạnh mẽ trong việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp tại tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Linh mục Antôn Thế Anh, Giáo xứ Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình) cùng giáo dân ở địa phương tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Linh mục Antôn Thế Anh, Giáo xứ Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình) cùng giáo dân ở địa phương tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng hành xây dựng nông thôn mới

Là một trong những địa phương tiêu biểu, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhờ sự chung sức của đồng bào lương, giáo. Chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với linh mục, ban chấp hành giáo xứ, giáo họ và các sư trụ trì để tuyên truyền ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tham gia. Với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ", người dân trong xã đã tự nguyện hiến gần 10 ha đất, trị giá gần 12 tỷ đồng, di chuyển cột điện và đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng hạ tầng giao thông, nhà văn hóa.

Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa khẳng định, sự đoàn kết giữa đồng bào lương, giáo đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp xã đạt nhiều thành tựu vượt bậc, từ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 đến chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020.

Tại huyện Yên Khánh, các tín đồ Phật giáo cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng. Điển hình là Đại đức Thích Thanh Duy, trụ trì chùa Thiên Hựu, xã Khánh An, đã hiến 2.000 m² đất để mở rộng đường giao thông và trực tiếp tuyên truyền vận động người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đại đức cũng tích cực tham gia các hoạt động như xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ học bổng và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đại đức Thích Thanh Duy cho biết, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con rất vui mừng, phấn khởi. Mặc dù xã đã được công nhận xã nông thôn mới, nhưng các phật tử vẫn nhiệt tình tham gia nâng cao các tiêu chí, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các phật tử trên địa bàn xã không chỉ xây dựng cầu đường, mà còn có các phần việc thiết thực khác như: Xây dựng nhà đại đoàn kết, tặng xe đạp, học bổng cho học sinh, cùng chính quyền phụ giúp người dân…

Theo ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Khánh, cộng đồng tôn giáo đã thể hiện trách nhiệm xã hội, tạo sự ổn định và đoàn kết trong nhân dân, khẳng định vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội. Không chỉ đóng vai trò tiên phong trở thành kênh kết nối để tín đồ và nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều tổ chức tôn giáo còn trực tiếp tham gia, hy sinh lợi ích riêng để đóng góp vào sự thay đổi diện mạo của nông thôn.

Khẳng định tinh thần đoàn kết cộng đồng

Ninh Bình hiện có hơn 318 tăng ni, 190.000 phật tử (19% dân số) và 162.000 tín đồ công giáo (16% dân số). Thông qua các phong trào vận động, toàn tỉnh đã xây dựng 52 ngôi nhà tình nghĩa Lương-Giáo, vận động hàng nghìn người hiến đất, tài sản để phục vụ các công trình công cộng. Đáng chú ý, hơn 66.500 hộ gia đình ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, văn hóa.

Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, toàn tỉnh đã huy động, vận động được nhiều cơ sở tôn giáo và các tín đồ tôn giáo cùng nhân dân tham gia, tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất và tài sản trên đất để phục vụ cho việc mở rộng đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; đóng góp tiền của, ngày công để mở rộng khuôn viên, mua sắm thiết bị nhà văn hóa khu dân cư, sân chơi thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa... giúp diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng được đổi mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình Lê Văn Kiên nhấn mạnh, sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức tôn giáo là yếu tố quan trọng giúp toàn tỉnh đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 30% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, các cấp chính quyền tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo trong việc tập trung vào an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế địa phương.

Với tinh thần "tốt đời, đẹp đạo", các tín đồ tôn giáo tại Ninh Bình đã không ngừng thực hiện những hành động thiết thực, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, nâng cao chất lượng cuộc sống và khẳng định vai trò của tôn giáo trong sự phát triển bền vững của địa phương. Ninh Bình ngày càng trở thành hình mẫu tiêu biểu trong việc kết nối tôn giáo với công cuộc xây dựng nông thôn mới.