Để đạt kết quả tích cực trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương tập trung duy trì, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tỉnh đôn đốc các xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, văn hóa, chuyển đổi số, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm chủ lực bán trên kênh thương mại điện tử,… tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Các địa phương quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền. Năm 2024, các xã tập trung huy động các nguồn lực và đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới đưa vào sử dụng 135 km đường giao thông nông thôn, 618 phòng học các cấp, 2 trụ sở UBND xã, 5 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 17 nhà văn hóa thôn, 6 trạm y tế xã và hệ thống rãnh thoát nước; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn.
Các xã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, từng bước thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư, nâng cấp các điểm tập kết trung chuyển rác thải sinh hoạt… đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Các xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao đã tích cực duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Hạ tầng kinh tế, xã hội của các địa phương tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; chính sách an sinh; phúc lợi xã hội được bảo đảm, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định.
Để bảo đảm đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh Hà Nam tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thiện mô hình thôn thông minh đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Các huyện tập trung duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 như chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông, bổ sung biển báo giao thông, hệ thống điện nông thôn, vệ sinh môi trường tạo cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp.
Theo lộ trình, huyện Bình Lục là huyện đầu tiên trong tỉnh đăng ký đạt huyện chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Đến hết năm 2024, huyện cơ bản đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo quy định với các tiêu chí đạt chuẩn: 7/9 tiêu chí, 32/36 chỉ tiêu huyện nông thôn mới; 5/9 tiêu chí, 30/38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, huyện tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; ưu tiên triển khai, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với lợi thế của từng địa phương; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.
Tuy nhiên, còn tiêu chí về môi trường, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các cơ sở, trang trại khẩn trương cải tạo hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm chất thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Huyện kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo lĩnh vực ngành phụ trách để hỗ trợ các địa phương hoàn thành kế hoạch.
Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; ưu tiên triển khai, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với lợi thế của từng địa phương. Hà Nam đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn; tăng cường thực hiện phân loại chất thải tại hộ gia đình và công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thiết thực hiệu quả trong việc chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, nhất là trong công tác giữ gìn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.