Các đoàn thể, đơn vị ở Hương Khê chia sẻ niềm vui tham gia bảo hiểm xã hội với người dân thôn biên giới Phú Lâm (Phú Gia).
Các đoàn thể, đơn vị ở Hương Khê chia sẻ niềm vui tham gia bảo hiểm xã hội với người dân thôn biên giới Phú Lâm (Phú Gia).

Lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến bà con vùng dân tộc, miền núi ở Hương Khê

Bằng việc xây dựng mô hình "Cây bưởi bảo hiểm", huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khơi thông nguồn lực, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm tạo chỗ dựa tài chính, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thực hiện chính sách nhân văn của Đảng, nhà nước, mỗi người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hỗ trợ mức đóng phí và được chi trả lương hưu khi không còn khả năng lao động hoặc hết tuổi lao động, giúp người dân bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ "cây bưởi bảo hiểm"...

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là địa phương miền núi, vùng xa, nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào lao động chân tay nên khi về già sẽ rất khó bảo đảm đủ trang trải cuộc sống.

Hương Khê có đặc sản bưởi Phúc Trạch và nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, thu nhập từ cây bưởi đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân.

Xuất phát từ việc hướng tới người dân có lương hưu, Hội Nông dân huyện Hương Khê đã thực hiện mô hình Cây bưởi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trích một phần thu nhập từ cây bưởi để đóng nộp tự nguyện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đi đầu thực hiện mô hình này, Hội Nông dân xã Hương Trạch đã xây dựng điểm "Câu lạc bộ nông dân hướng tới lương hưu" tại thôn Ngọc Bội với 18 thành viên; trở thành điểm sáng về giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức vào “lưới” an sinh xã hội.

Chị Phạm Thị Thương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Trạch chia sẻ, xã Hương Trạch là thủ phủ của bưởi Phúc Trạch với diện tích 453,6ha. Năm 2023, thu nhập từ cây bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã ước tính đạt 60 tỷ đồng. Từ những lợi thế này, chúng tôi mạnh dạn xây dựng mô hình điểm "Câu lạc bộ nông dân hướng tới lương hưu" nhằm tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, hướng dẫn các thành viên thực hành tiết kiệm, cách quản lý kinh tế gia đình hiệu quả, từ đó, trích một phần kinh phí thu nhập từ cây bưởi để tham gia các loại bảo hiểm".

Tham gia mô hình, mỗi thành viên sẽ dành riêng 1-2 cây bưởi trong vườn nhà để phục vụ hoạt động mua các loại bảo hiểm và được gắn biển "Cây bảo hiểm xã hội".

Chị Mai Thị Lài (36 tuổi, thôn Ngọc Bội, Hương Trạch) cho biết: "Sau khi được tuyên truyền, vợ chồng tôi quyết định dành riêng 2 cây bưởi trong vườn để mua bảo hiểm xã hội. Mỗi cây bưởi của gia đình sẽ ra khoảng 50-60 quả/năm, giá trung bình mỗi quả khoảng 25.000 đồng, như vậy với 2 cây bưởi, tôi có thể đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu (hơn 2,7 triệu đồng), sau này về già sẽ đỡ lo về kinh tế hơn”.

Lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến bà con vùng dân tộc, miền núi ở Hương Khê ảnh 1
Cây bưởi bảo hiểm xã hội của gia đình chị Lê Thị Thảo ở thôn Ngọc Bội (Hương Trạch).

Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Thảo (51 tuổi, thôn Ngọc Bội) vẫn còn cảm thấy nhiều tiếc nuối khi không được tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội sớm hơn.

Bà chia sẻ: "Tôi hiện sống 1 mình và đang sở hữu hơn 100 gốc bưởi Phúc Trạch, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.000 quả. Nếu dành riêng 1-2 cây bưởi để lấy kinh phí đóng các loại bảo hiểm thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, trong khi tôi sẽ có một chỗ dựa tài chính, an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe khi không còn sức lao động. Vì vậy, khi thấy nhiều nông dân trong thôn xây dựng mô hình cây bảo hiểm xã hội, tôi cũng mạnh dạn xin tham gia".

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Hương Khê, Phan Quốc Khánh cho biết, dù nhiều thách thức, nhưng với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con đồng bào tộc thiểu số, cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội Hương Khê đã nỗ lực phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể để tuyên truyền, tìm kiếm giải pháp. Từ đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về bảo hiểm xã hội vào các cuộc sinh hoạt chi hội, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân tại cộng đồng. Trong đó, mô hình câu lạc bộ nông dân hướng tới có lương hưu do Hội Nông dân huyện Hương Khê phát động trở thành giải một pháp rất sáng tạo.

...Nông dân hướng đến có lương hưu

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Hương Khê, từ mô hình "cây bưởi bảo hiểm xã hội" được thành lập đầu tiên tại xã Hương Trạch đến nay câu lạc bộ nông dân hướng tới có lương hưu nhanh chóng lan tỏa đến các địa phương khác tại như: Phúc Trạch, Phú Gia.

Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, thôn vùng sâu, biên giới Phú Lâm (xã Phú Gia) với 63 hộ dân tộc Lào và 58 hộ dân tộc Kinh sinh sống, đã thành lập được câu lạc bộ nông dân hướng tới có lương hưu với 27 thành viên tham gia.

Để có kinh phí duy trì đóng bảo hiểm xã hội, các thành viên câu lạc bộ được hội nông dân các cấp hướng dẫn tiết kiệm các khoản tiền bằng việc phát huy lợi thế đồi, rừng của địa phương...

Mỗi hộ tham gia câu lạc bộ sẽ tự tìm cách tiết kiệm phù hợp như mỗi tháng sẽ dành một số ngày công từ công việc thu hoạch cây keo tràm, từ hoạt động trồng rừng hoặc “nuôi gà bảo hiểm”, “con lợn bảo hiểm”…

Lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến bà con vùng dân tộc, miền núi ở Hương Khê ảnh 2

Cán bộ bảo hiểm xã hội và Hội Nông dân Hương Khê đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền chính sách an sinh xã hội.

Anh Lê Thanh Hóa - người dân tộc Lào ở thôn Phú Lâm chia sẻ, qua chương trình tuyên truyền tại nhà văn hóa thôn, chúng tôi hiểu được những vấn đề phát sinh khi về già, không còn sức lao động. Trong khi bây giờ còn có thể lao động thì chúng tôi sẽ cố thêm để có tiền đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, sau này, chúng tôi vẫn có thể tự lập, trang trải cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào con cháu hoặc xã hội. Trước kia, tôi cứ nghĩ một người làm nông như tôi thì làm gì có lương hưu. Nhưng bây giờ thì tôi biết mình hoàn toàn có cơ hội đó, vậy nên cả tôi và vợ cùng quyết tâm sẽ tham gia bảo hiểm xã hội để được nhận lương khi về già.

Cùng với anh Hóa, toàn thôn Phú Lâm có 27 người đã tiên phong đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 9 người dân tộc Lào. Ông Lê Văn Hòe - Trưởng thôn Phú Lâm, cũng là người dân tộc Lào, phấn khởi nói: Chính sách nhân văn này khiến bà con ưng bụng, bởi nó giúp người dân không chỉ có lương hưu trong tương lai, mà còn giúp thoát nghèo bền vững và bảo đảm an sinh vùng biên giới. Tôi cùng vợ quyết định sẽ tham gia bảo hiểm xã hội và tiếp tục vận động những hộ còn lại tham gia.

Ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê chia sẻ, toàn huyện đã có 3 mô hình câu lạc bộ nông dân hướng tới có lương hưu và 1 câu lạc bộ đang chuẩn bị ra mắt với khoảng gần 100 thành viên tham gia. Hội Nông dân đang phấn đấu mỗi xã sẽ thành lập được ít nhất 1 câu lạc bộ. Đặc biệt, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyên truyền, xây dựng các mô hình kinh tế ở khu vực vùng sâu, biên giới, các vùng dân tộc thiểu số ở bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh), bản Rào Tre (xã Hương Liên) để bà con có kinh phí tham gia bảo hiểm xã hội.

back to top