Lan tỏa tích cực từ hội thi "Dân vận khéo" ở Hà Tĩnh

Hội thi "Dân vận khéo" ở Hà Tĩnh đã tạo sức lan tỏa lớn, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Trưởng ban Tổ chức hội thi cho biết: Hội thi "Dân vận khéo" tỉnh Hà Tĩnh năm 2024 bắt đầu triển khai từ tháng 4. Sau khi được Ban tổ chức hội thi cấp tỉnh triển khai, các địa phương, đơn vị đã hưởng ứng tích cực, xây dựng kế hoạch và thành lập đội thi để tập luyện. Hội thi được triển khai sâu rộng từ cơ sở đến cấp tỉnh gồm 42 hội thi với sự tham gia của 234 đội, 1.070 thí sinh và hơn 2.000 diễn viên quần chúng.

Theo Thể lệ của Ban tổ chức, các đội dự thi thực hiện 3 phần thi, bao gồm: Chào hỏi, Kiến thức và Tiểu phẩm. Sau 3 vòng thi từ cấp cơ sở đến cấp cụm, 6 đội thi giành giải nhất, giải nhì tại các vòng thi chung kết cấp cụm lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" huyện Thạch Hà nhận định: "Hội thi được triển khai sâu rộng từ cơ sở, chỉ đạo tổ chức từ các xã, thị trấn; thành phần tham dự được huy động từ cán bộ làm công tác dân vận của xã và các đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể ở thôn, trường học trên địa bàn…

Hội thi được livestream trên Facebook tạo sức lan tỏa, góp phần tuyên truyền và phổ biến sâu rộng, sinh động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Thông qua hội thi các đơn vị, địa phương đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý về công tác dân vận, về việc xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân…".

Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Trưởng ban Tổ chức hội thi, điểm nhấn là việc sân khấu hóa ở phần chào hỏi và tiểu phẩm được dàn dựng công phu, thể hiện kỹ năng, nghiệp vụ và chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

Đó là những câu chuyện về dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trọng điểm; hiến đất, hiến cây mở rộng đường xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tuyên truyền, vận động người dân tránh xa tà đạo; dân vận giúp người dân hòa giải mâu thuẫn cá nhân…

Bà Lê Thị Hương, một khán giả ở thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: "Các phần thi chào hỏi, tiểu phẩm được các đội thi thể hiện bằng dân ca ví, giặm, hò, vè… rất cuốn hút và ấn tượng với người xem. Qua theo dõi hội thi, tôi cũng hiểu thêm về công tác dân vận trong thực tiễn đời sống. Dân vận luôn là việc làm quan trọng nhưng không phải dễ dàng và không phải ai cũng có thể làm được mà cần có kỹ năng, tâm huyết và tầm hiểu biết rộng".

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua "Dân vận khéo", tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 8.277 mô hình "Dân vận khéo", trong đó có 6.012 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" được công nhận; xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" với nhiều cách làm hay, sáng tạo, có địa chỉ cụ thể và đạt được hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là phát huy hiệu quả phương thức dân vận khéo trong giải quyết các vấn đề khó, phức tạp, vướng mắc ở địa phương, cơ sở, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh...