Nỗ lực vun đắp nghĩa tình, trao truyền văn hóa ở Hà Tĩnh

NDO - Gắn kết nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ, xây dựng cụm dân cư sinh thái, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu… là những cách làm sáng tạo mà tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai nhằm vun đắp nghĩa tình, giữ gìn và trao truyền văn hóa truyền thống, góp phần khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên).
Nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên).

Với mục tiêu, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, các cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh đã nỗ lực, kiên trì xây dựng đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện

Cùng nhau cụm dân cư sinh thái

Tại huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), trên hành trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện đã chú trọng xây dựng các cụm dân cư sinh thái, vận động người dân cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng quê hương trở thành những miền quê đáng sống.

Xuất phát từ nhu cầu mở rộng vườn kiểu mẫu trong các tổ liên gia, các hộ đã đổi công, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, chia sẻ lợi ích... Đến nay, các hộ trong tổ liên gia đều có thể dùng chung bể nước, chung sóng wifi và cùng chia sẻ những công việc làm vườn khác cùng nhau.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) Nguyễn Xuân Thê

Cụm dân cư số 1, thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang), được xây dựng theo mô hình cụm dân cư sinh thái “sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn-văn minh”. Điều ấn tượng ở đây là cảnh quan nông thôn trù phú, an lành, ấm tình làng nghĩa xóm.

Cụm có 5 hộ gia đình chung sống đoàn kết, không có hàng rào cứng ngăn cách giữa mỗi hộ mà thay vào đó là những hàng rào hoa rực rỡ, hay dãy chè mạn hảo xanh mướt, mỗi hàng rào đều có lối mở để hàng xóm qua lại với nhau. Tại khu vực sinh hoạt chung ở dưới bóng cây có ghế đá, xích đu, là nơi các cháu thiếu nhi vui đùa mỗi sáng, hàng xóm râm ran bên ấm nước chè xanh.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đức Lĩnh, Nguyễn Xuân Thê, mô hình cụm dân cư sinh thái bắt đầu có từ sau năm 2017, khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Lúc đầu, xuất phát từ nhu cầu mở rộng vườn kiểu mẫu trong các tổ liên gia, các hộ đã tiến hành đổi công, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, chia sẻ lợi ích... Đến nay, các hộ trong tổ liên gia đều có thể dùng chung bể nước, chung sóng wifi và cùng chia sẻ những công việc làm vườn khác cùng nhau.

Nỗ lực vun đắp nghĩa tình, trao truyền văn hóa ở Hà Tĩnh ảnh 1
Một góc cụm dân cư sinh thái sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn-văn minh thôn Cừa Lĩnh (xã Đức Lĩnh).

Ông Nguyễn Minh Hà, cụm trưởng cụm dân cư sinh thái số 1, thôn Cừa Lĩnh nhớ lại: Thời điểm phát động xây dựng cụm dân cư sinh thái vào mùa hè, thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa, người dân chúng tôi chong đèn làm cả đêm. Cụm dân cư số 1 hiện có tuyến đường giữa các hộ bằng bê-tông rộng 1,2m, dài hơn 300m với các hàng rào xanh. Bằng sự chung tay, góp sức của các hộ gia đình, nhiều con đường mới mở khang trang, những không gian thoáng đãng, mướt xanh cây trái, từng bước được hình thành, góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

Xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang hiện có 10 cụm dân cư sinh thái, trung bình có từ 5 đến 7 hộ gia đình ở chung trên một diện tích khoảng 3 đến 3,5ha; thu nhập bình quân mỗi năm từ việc bán các loại cây trái trong vườn đạt từ 170 đến 200 triệu đồng/hộ. Bà con trong cụm dân cư không chỉ hỗ trợ nhau về cây giống, kỹ thuật, mà còn giúp đỡ nhau trong tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó đời sống ngày càng đi lên.

Thời gian qua, huyện Vũ Quang đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các cụm dân cư sinh thái, nhằm hướng đến những miền quê nông thôn mới yên bình, trù phú, mang đậm bản sắc làng quê truyền thống. Theo thống kê của Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Vũ Quang, toàn huyện đang triển khai xây dựng 22 cụm dân cư sinh thái. Từ những cụm dân cư sinh thái, người dân huyện miền núi Vũ Quang lại càng ý thức hơn trong việc cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh.

Những ngày này, tại mỗi cụm dân cư, tổ liên gia trên địa bàn Hà Tĩnh đang sôi nổi Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, tổ chức bữa cơm đoàn kết… đã động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, gắn bó thêm tình làng nghĩa xóm.

Kết nối sinh hoạt cộng đồng dân cư

Thôn Song Hoành (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có 181 hộ dân, hầu hết đều làm nông nghiệp. Đều đặn nhiều năm nay, sau những giờ làm việc đồng áng, bà con thôn Song Hoành lại tập trung về Nhà văn hóa cộng đồng để hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ thôn Song Hoành có tổng diện tích hơn 850m2, bên cạnh khu vực hội quán rộng 180m2 có sức chứa hơn 180 người họp, còn có các khu vực sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân khấu ngoài trời, thư viện có hàng nghìn đầu sách, khu vui chơi trẻ con…

Nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ đã trở thành “điểm hẹn” không thể thiếu đối với người dân thôn Song Hoành từ già đến trẻ.

Bí thư Chi bộ thôn Song Hoành, Ngô Văn Ngụ.

Từ khi ngôi nhà trí tuệ ra đời, nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm được thành lập và thu hút đông đảo người dân tham gia như: câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ bóng chuyền hơi, câu lạc bộ cờ tướng, câu lạc bộ bóng bàn, câu lạc bộ dân vũ... góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ông Ngô Văn Ngụ, Bí thư chi bộ thôn Song Hoành chia sẻ: Nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ đã trở thành “điểm hẹn” không thể thiếu đối với người dân thôn Song Hoành từ già đến trẻ. Đó là nơi các cháu thiếu nhi đến đọc sách, người dân chơi thể thao và là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thạch Hà Trần Danh Vinh cho biết: Huyện Thạch Hà hiện có 13 nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ. Mô hình “ngôi nhà trí tuệ” đã tạo nên sức sống mới và phát huy được hết công năng cho các nhà văn hóa cộng đồng. Thông qua đó, gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Mô hình nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ xuất phát từ sáng kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh khi triển khai mô hình ngôi nhà trí tuệ trên nền nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Từ những ngôi nhà trí tuệ đầu tiên tại các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, đến nay đã có thêm nhiều những ngôi nhà trí tuệ gắn với nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hoạt động sôi nổi, hiệu quả.

Nỗ lực vun đắp nghĩa tình, trao truyền văn hóa ở Hà Tĩnh ảnh 2

Không gian đọc sách trong mỗi ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, tùy theo điều kiện ở mỗi địa phương, các “Ngôi nhà trí tuệ” sẽ được bố trí các tủ sách với hàng nghìn đầu sách các loại, có bàn ghế phục vụ người dân ngồi đọc tại chỗ và máy tính quản lý các đầu sách bằng phần mềm thư viện; khu vực học tiếng Anh có máy chiếu, bàn ghế, bảng biểu, bảo đảm cho khoảng 20-25 cháu học tập; khu vực văn nghệ có hệ thống âm thanh phục vụ sinh hoạt các câu lạc bộ; phía ngoài trời được bố trí sân bóng chuyền, cầu lông, khu thể thao.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh Thái Ngọc Hải, nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ, đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân, địa điểm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đồng thời tạo ra không gian để người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là các em thanh thiếu nhi có thể vừa học, vừa chơi nhằm phát triển toàn diện về đức-trí-thể-mỹ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh

Sau 3 năm đưa vào hoạt động, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã ra mắt 116 mô hình nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ phát huy hiệu quả với kinh phí xã hội hóa hơn 22 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 9,02 tỷ đồng, kêu gọi hỗ trợ hơn 20.000 đầu sách các loại, góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết tại khu dân cư, tổ dân phố, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần ở cơ sở, góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.