Làm giàu từ cây mơ vàng

Từ chỗ từng bị chặt bỏ do không mang lại hiệu quả kinh tế, giờ đây, nhờ có liên kết tiêu thụ bền vững, cây mơ vàng ở Bắc Kạn đã hồi sinh. Trồng mơ trở thành hướng làm kinh tế bền vững, làm giàu cho nông hộ.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến mơ quả xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki, Khu công nghiệp Thanh Bình.
Chế biến mơ quả xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki, Khu công nghiệp Thanh Bình.

Những ngày trung tuần tháng 5 này tại xã Cao Kỳ, vựa mơ lớn nhất của huyện Chợ Mới, dọc đường đi qua các thôn, ngút tầm mắt là hình ảnh những vườn mơ xanh mướt, nối nhau san sát trên triền đồi, cây nào cây nấy quả vàng sai trĩu cành. Người dân đang tranh thủ thu hái, vận chuyển mơ đi bán cho nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình.

Toàn xã hiện có 327ha mơ, diện tích đã cho thu hoạch hơn 200ha. Cây mơ trồng chủ yếu tại các thôn Hua Phai, Nà Nguộc, Chộc Toòng, Bản Phố, Nà Cà, Tổng Tàng, trong đó có 110ha đang cho thu hoạch; sản lượng bình quân hơn 500 tấn quả mỗi năm.

Ông Hà Quảng Đường, ở thôn Bản Mại, là một trong những hộ trồng nhiều mơ nhất tại xã Cao Kỳ. Ông chia sẻ, nhờ liên kết tiêu thụ, quả mơ bán được giá, trung bình từ 8.000-10.000 đồng/kg, giá cao nhất có vụ bán được 13 nghìn đồng/kg. Mỗi héc-ta trồng khoảng 250 cây mơ, trung bình mỗi cây thu được 80kg/vụ, những cây lớn có thể thu về cả tạ, thu nhập một năm của gia đình có thể được hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê hái, chăm sóc cũng lãi hơn nửa tỷ đồng.

Cây mơ giúp nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa vốn nghèo khó nay đã đổi đời. Tại thôn Nà Nguộc (xã Cao Kỳ), đa phần là nhà xây có giá trị từ một đến hai tỷ đồng/căn. Thôn có 72 hộ dân tộc Dao thì có đến 90% trồng cây mơ, hầu hết đã cho thu hoạch, hộ ít một năm thu vài chục triệu, hộ nhiều vài trăm triệu đồng. Số hộ có nhà xây kiên cố chiếm đến gần 70%.

Cây mơ tạo đột phá trong phát triển kinh tế ở Bắc Kạn là nhờ từ năm 2018, chính quyền địa phương ký hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Việt Nam Misaki tiêu thụ toàn bộ sản phẩm quả mơ của xã với giá sàn 8.000 đồng/kg trong thời hạn 5 năm liên tục. Quả mơ từ chỗ phụ thuộc tư thương nay đã có đầu ra ổn định. Với giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg, người trồng mơ sẽ thu về 160 triệu đồng/ha cho nên cây mơ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế hiệu quả.

Điều đặc biệt hơn, toàn bộ quả mơ sau thu mua được công ty chế biến thành sản phẩm mơ muối, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là một trong những nông sản sau chế biến đầu tiên của tỉnh miền núi Bắc Kạn xuất khẩu ra nước ngoài, đã tạo động lực rất lớn để tỉnh tiếp tục thúc đẩy trồng, chế biến các nông sản khác.

Khi giá thu mua mơ quả ổn định, có đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế thì diện tích trồng mơ ở Bắc Kạn tăng nhanh. Điều này làm dấy lên nỗi lo “vỡ” vùng nguyên liệu khi sản lượng mơ quả có thể lên tới 4.000-5.000 tấn/vụ. Tuy nhiên, giữa tháng 4, người trồng mơ Bắc Kạn tiếp tục đón tin vui về việc tỉnh có thêm nhà máy chế biến mới. Ngày 15/4, Công ty TNHH BORDERLESS ASIA đã chính thức đưa nhà máy chế biến nông sản, công suất hơn 5.000 tấn/năm vào hoạt động. Trong đó, dây chuyền chế biến mơ quả có công suất 1.500 tấn/năm. Toàn bộ các sản phẩm đều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Để phát triển bền vững cây mơ, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các sở, ngành, nhà khoa học, chính quyền địa phương cùng bắt tay hỗ trợ sản xuất, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng cây mơ. Điển hình tại huyện Chợ Mới đã thành lập Hợp tác xã Cao Kỳ và Hợp tác xã Đoàn Kết làm đại lý cấp 1 cho Công ty TNHH Việt Nam Misaki, đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm quả mơ của các hộ dân theo hướng dẫn, vận chuyển tới nhà máy. Hay như huyện Bạch Thông triển khai dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mơ vàng”...

Tỉnh Bắc Kạn cũng định hướng ổn định diện tích trồng mới gắn với chất lượng, tránh tình trạng trồng ồ ạt mà không tính toán, gắn với thị trường tiêu thụ.