Không chỉ là chuyện "cát"

Nạn "cát tặc" dọc các sông thuộc địa phận Hà Nội diễn biến phức tạp, tới mức Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phải vào cuộc. Từ đầu tháng 12-2013, Công an TP Hà Nội qua rà soát các tuyến, bãi tập kết mua bán vận chuyển cát dọc sông Hồng, sông Đuống (qua địa bàn Hà Nội) đã phát hiện trong 120 điểm, có tới 44 điểm hoạt động không phép, tuy nhiên vẫn chỉ ở mức độ xử phạt hành chính.

Đầu năm 2014, trên tuyến sông Hồng thuộc địa phận các xã Vạn Điểm và Thống Nhất (Thường Tín), Phòng CSGT đường thủy phối hợp các lực lượng nghiệp vụ Công an Hà Nội và Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an) khám phá vụ án Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên "cát", khởi tố và bắt tạm giam tám bị can. Điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 3-2012 đến tháng 1-2014, hai bến bãi tại đây đã tổ chức tiêu thụ gần 110.000 m 3 cát, với giá trị hơn 4,6 tỷ đồng. Xác minh tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín và xã Thống Nhất cho thấy, các cơ quan này không cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác cát trên sông Hồng.

Dư luận hoan nghênh các đơn vị chức năng quyết liệt, mạnh tay với nạn "cát tặc". Nhưng dư luận lại thấy băn khoăn, rằng vì sao việc khai thác cát không phép công khai, diễn ra trong thời gian dài? Các phương tiện không có giấy chứng nhận kỹ thuật vì sao vẫn ngang nhiên lưu thông? Người điều khiển phương tiện tại sao không có giấy phép vẫn lái tàu? Chủ bến bãi dù biết cát không rõ nguồn gốc, cát được khai thác trái phép song do đâu vẫn sẵn sàng "đặt hàng"?... Người dân kêu lên các cơ quan chức năng, kêu lên với công luận. Vậy chính quyền địa phương có biết không? Một khối lượng khá lớn cát được tập kết tại các bến bãi, mà đa số là bến bãi lập trái phép. Tại sao chính quyền địa phương cơ sở vẫn để các bến bãi này tồn tại? Phải chăng việc "quy" trách nhiệm chưa được rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc cứ "báo cáo" rồi là coi như "hoàn thành trách nhiệm"?

Chuyện "hạt cát" xem ra, chẳng nhỏ chút nào.