Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm

Sau gần 9 năm thi hành Luật Việc làm, quá trình triển khai thực hiện Luật này còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Do vậy, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 .
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 2/2023 (Ảnh: Ngân Anh)
Lao động tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 2/2023 (Ảnh: Ngân Anh)

Gỡ những điểm nghẽn trong quy định về việc làm

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tổng hợp các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã cho thấy còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc.

Chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Một số khái niệm, quy định chưa rõ ràng hoặc được nội luật hóa; một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng nghề chưa được quy định trong Luật Việc làm.

Cụ thể, có sáu “điểm nghẽn” cần gỡ sau.

Một là, chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Một số khái niệm, quy định chưa rõ ràng hoặc được nội luật hóa; một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng nghề chưa được quy định trong Luật.

Hai là, quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng, trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung. Chưa có các quy định về chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức. Một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung để bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.

Ba là, chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề, báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc.

Bốn là, các quy định liên quan phát triển kỹ năng nghề, quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định. Sự tham gia của các bên (Nhà nước, cơ sở đào tạo, người lao động, người sử dụng lao động) cũng như quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định. Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa cụ thể.

Năm là, chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm. Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế, một số nhiệm vụ chưa được quy định trong Luật nên cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng. Chưa có quy định về hoạt động giao dịch việc làm trên môi trường mạng, quy định về điều kiện hoạt động của các bộ phận/đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên trong cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáu là, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ. Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về việc làm

Thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm ảnh 2

Lao động và người sử dụng lao động ký hợp đồng tại phiên giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 3/2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Trước hết là quản lý lực lượng lao động.

Bộ luật Lao động 2019 quy định chương II về việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động. Tuy nhiên, nội dung về quản lý lao động chỉ quy định về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động (trong trường hợp có giao kết hợp đồng lao động), chưa quy định rõ đối với các trường hợp người lao động tự làm, không có giao kết hợp đồng lao động, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong quản lý lao động.

Tính đến hết năm 2022, lực lượng lao động cả nước có 52,1 triệu người, lao động làm công hưởng lương khoảng 25 triệu lao động. Trong số này, chỉ có gần 17,5 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, có khoảng 8 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia bảo hiểm xã hội và gần 35 triệu lao động (2/3 lực lượng cả nước) chưa được nắm thông tin. Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh đối với các nhóm lao động này, làm cơ sở hoạch định và triển khai các chính sách hỗ trợ, thí dụ như các gói an sinh xã hội trong giai đoạn Covid-19.

Mặt khác, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đây là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong đó, yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến hết năm 2022, có khoảng 8 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia bảo hiểm xã hội và gần 35 triệu lao động (2/3 lực lượng cả nước) chưa được nắm thông tin.

Tiếp nữa là vấn đề già hóa dân số

Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Nước ta đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017.

Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số, dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%), phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân.

Trong thực tế, người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định liên quan vẫn khá hạn chế. Việc bảo đảm sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.

Cùng với đó là chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Theo báo cáo tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm cả nước).

So với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này vẫn ở mức cao. Gần ba phần tư lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn (khoảng 77,9%) nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, không qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ công nhận trình độ kỹ năng nghề; 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành “công nghiệp chế biến, chế tạo”, “xây dựng” và “bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy”.

Lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức (6 triệu lao động), hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,8%), trong đó 35,5% lao động làm công ăn lương; chỉ có 0,1% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và 2,1% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo quy định tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lao động có việc làm phi chính thức được xác định là những người thuộc một trong các nhóm: lao động gia đình không được hưởng lương hưởng công; chủ cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng lao động nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động tự làm hoặc lao động làm công hưởng lương trong các hộ gia đình hoặc hộ nông-lâm nghiệp và thủy sản.

Do vậy, trong Luật Việc làm cần bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực phi chính thức, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Cuối cùng là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm ảnh 3
Người lao động tại Nhà máy của Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia thuộc Tập đoàn Toshiba, khu công nghiệp Amata Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương)

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số , thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Đại dịch Covid-19 tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao (công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính, …) đến những việc làm với trình độ phổ thông (giao hàng, bán hàng trực tuyến…).

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều tiết thị trường lao động; thúc đẩy các hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng…

Do vậy, xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Hồ sơ xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được trình xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy trình 2 kỳ họp. Dự kiến, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).

Luật Việc làm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên, nước ta ban hành đạo luật về việc làm.

Luật gồm bảy chương, 62 điều, điều chỉnh các quan hệ về việc làm, bao gồm các quy định về 5 nội dung chính: đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động. Đây cũng là lần đầu tiên thông tin về thị trường lao động, việc làm được đề cập trong luật.