Nhiều sự kiện trong Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ năm

Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ năm sẽ diễn ra trong tháng 5 với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - An tâm cho mọi gia đình”.
0:00 / 0:00
0:00
Phát động chương trình “Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” tại Hà Nội, ngày 16/3/2024. (Ảnh: VSS)
Phát động chương trình “Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” tại Hà Nội, ngày 16/3/2024. (Ảnh: VSS)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1064/BHXH-TT ngày 22/4/2024 hướng dẫn truyền thông nhân Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân (tháng 5).

Chủ đề truyền thông của Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội năm nay là “Bảo hiểm xã hội - An tâm cho mọi gia đình”. Đi cùng với chủ đề này là các thông điệp truyền thông cụ thể.

Công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ, thực hiện Công văn số 1536/LĐTBXH-VBHXH ngày 12/4/2024 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về nội dung tuyên truyền bảo hiểm xã hội giai đoạn 2024-2025, trọng tâm Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, Kế hoạch số 4518/KH-BHXH ngày 28/12/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác thông tin, truyền thông năm 2024; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh truyền thông nhân dịp Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (tháng 5).

Chủ đề truyền thông của Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội năm nay là “Bảo hiểm xã hội - An tâm cho mọi gia đình”. Đi cùng với chủ đề này là các thông điệp truyền thông cụ thể.

Nội dung truyền thông cần chú trọng các điểm sau.

Một là sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó có mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Hai là vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng và được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Ba là những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần, rời khỏi lưới an sinh xã hội.

Bốn là tầm quan trọng, ý nghĩa và nội dung chính của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong việc mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bổ sung quyền lợi của người tham gia.

Năm là truyền thông lan tỏa những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; trách nhiệm, ý nghĩa, kết quả việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sáu là các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của đơn vị (người sử dụng lao động), người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tác động, ảnh hưởng của việc gia tăng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tới lực lượng lao động và tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

Bảy là những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; nhân vật thực tế, người được thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, qua đó lan tỏa tính nhân văn và lợi ích khi tham gia.

Tám là truyền thông cảnh báo, răn đe đối với các hành vi vi phạm, lạm dụng nhằm trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.

Chín là kết quả chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của ngành và những tiện ích đem lại cho người dân, đơn vị doanh nghiệp.

Mười là truyền thông, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tặng sổ bảo hiểm xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Văn bản cũng nhấn mạnh tới việc đa dạng các hình thức truyền thông. Cụ thể như truyền thông trực quan với các hình thức như: treo băng-rôn, khẩu hiệu, phướn,… với các thông điệp trên các trục đường, phố chính của thành phố, thị xã, thị trấn, nơi có đông người qua lại và tại trụ sở cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp trong thời gian treo từ ngày 6/5/2024 đến ngày 21/5/2024.

Về truyền thông trực tiếp, tùy tình hình thực tế và căn cứ đặc thù của địa phương để lựa chọn tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Cụ thể, tổ chức một số hoạt động truyền thông trực tiếp như: Tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân; Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; Tổ chức các hội nghị truyền thông,…; truyền thông qua các hoạt động chăm sóc khách hàng: hội nghị tư vấn, đối thoại, Tổng đài 19009068; Truyền thông trực tiếp tại: Bộ phận “Một cửa” của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện; Trung tâm Hành chính công của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các trung tâm dịch vụ việc làm; Truyền thông lồng ghép với các hoạt động được tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động tại địa phương, kết hợp phát các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp,…); Tổ chức các gian hàng tư vấn, gian hàng an sinh; Tổ chức các đợt truyền thông lưu động; Truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp triển khai các tuyến tin, bài, tọa đàm, tiểu phẩm, infographic, motion graphic,… truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội đăng tải trên các phương tiện truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương; Tăng cường các bản tin, chuyên đề, tiểu phẩm phát thanh về chính sách bảo hiểm xã hội trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Ngoài ra, cũng cần chú trọng truyền thông qua môi trường Internet và mạng xã hội. Đó là tăng cường số lượng, tần suất đăng tải, chia sẻ các bài chuyên sâu, bài phỏng vấn, chương trình tọa đàm, clip tin tức, infographic,… trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội các tỉnh; Cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương; các kênh truyền thông mạng xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh.

Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội vào. Theo đó, tháng 5 hằng năm được chọn là “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân”.

Song song với đó là tổ chức các hội nghị trực tuyến (livestream), hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật trên môi trường internet.

Truyền thông qua các sản phẩm truyền thông: Biên tập, thiết kế và sản xuất các sản phẩm truyền thông như: Tờ rơi, tờ gấp, infographic, motion graphic, tiểu phẩm phát thanh/truyền hình, vật phẩm tuyên truyền,… về chính sách bảo hiểm xã hội.

Để triển khai công tác truyền thông nhân Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Trung tâm Truyền thông là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Trước đó, vào ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội vào.

Theo đó, tháng 5 hằng năm được chọn là “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân”. Sự kiện nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Từ khi Quyết định số 1676/QĐ-TTg có hiệu lực, Tháng vận động đã diễn ra bốn lần.

Năm 2020, Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần đầu tiên mang chủ đề là: “Chung tay thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân”. Hoạt động này diễn ra vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta.

Tới năm 2021, khi đại dịch dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất ở nước ta, chủ đề truyền thông hưởng ứng tháng vận động là “Bảo hiểm xã hội cho tất cả mọi người”.

Năm 2022, Tháng vận động mang chủ đề “Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình”. Chương trình tập trung truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia. Đồng thời, nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình…

Tháng 5 năm 2023 là thời điểm diễn ra Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ tư. Thông điệp chính của hoạt động là “Đồng hành cùng bảo hiểm xã hội vì cuộc sống chất lượng hơn”.