Dự khai mạc có Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến, đông đảo đại diện người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Lễ khai mạc “Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động tỉnh Thái Nguyên 2023”. |
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này và các địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động. Vì vậy, thị trường lao động quý I/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. So với quý trước và cùng kỳ năm 2022, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.
Có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội giữa vùng Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện.
Thị trường lao động trong nước quý I/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. So với quý trước và cùng kỳ năm 2022, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.
Góp phần vào kết quả đó, tỉnh đã nỗ lực giải quyết việc làm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo và công tác an sinh xã hội khác. Riêng hoạt động kết nối cung-cầu lao động, Thái Nguyên đã năng động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động, hình thành mạng lưới kết nối trong toàn tỉnh và kết nối với các địa phương khác trong vùng. Tuần cao điểm kết nối cung-cầu năm 2023 là khởi đầu cho chuỗi các hoạt động trong năm và những năm tiếp theo.
Theo đồng chí Lê Văn Thanh, kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo được dự báo là sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo thị trường lao động còn nhiều biến động. Không để doanh nghiệp thiếu nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, người lao động thiếu việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác là trách nhiệm chính trị của ngành lao động-thương binh và xã hội.
Do đó, đồng chí Lê Văn Thanh đề nghị, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có chính sách phát triển thị trường lao động và các chính sách an sinh xã hội.
Ban hành kế hoạch của địa phương phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu tìm việc của người lao động.
Nhiều hoạt động tuyển dụng diễn ra ngay tại Lễ khai mạc. |
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm và các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước thành hệ thống đồng bộ, thống nhất nhằm cung cấp các dịch vụ trực tiếp và trực tuyến có hiệu quả các hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Là địa phương đang trên đà phát triển, thu hút đầu tư FDI đạt 10,4 tỷ USD, nhiều khu, cụm công nghiệp đang được mở ra, nhu cầu về lao động của tỉnh Thái Nguyên rất lớn, trên địa bàn có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho thấy thị trường lao động của Thái Nguyên phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả thu thập thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp là hơn 29 nghìn lao động, giảm gần 14 nghìn lao động, chỉ bằng gần 68% so với nhu cầu tuyển dụng năm 2021. Nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động thời gian tới sẽ phục hồi, phát triển.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến chia sẻ: Quý I/2023, tỉnh và Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đã ký Bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm Công nghiệp Sunny Group tại khu công nghiệp Yên Bình với vốn đầu tư khoảng 2-2,5 tỷ USD, dự kiến doanh thu hằng năm là 5 tỷ USD, thu hút khoảng 15 nghìn lao động thường xuyên.
Nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có quy mô lớn cả về số lao động, diện tích đất sử dụng, vốn đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đầu tư chế biến-chế tạo, khu du lịch sinh thái, hạ tầng khu công nghiệp, đường giao thông, khu đô thị nên nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương ngày càng tăng.
Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10-17/4 với 17 hoạt động trọng tâm. Các hoạt động này được tổ chức tại 23 điểm giao dịch thuộc 9/9 huyện, thành phố của tỉnh và 10 tỉnh, thành phố.
Vì vậy, việc tổ chức Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động năm 2023 được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy kích cầu nhu cầu tuyển dụng năm 2023 của các đơn vị, doanh nghiệp; là cầu nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động.
Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông tin, quảng bá về thương hiệu, sản phẩm của mình, đồng thời tư vấn và phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tiếp và trực tuyến kết nối các tỉnh khu vực phía bắc theo nhu cầu của đơn vị.
Tư vấn, hướng nghiệp đối với học sinh trung học phổ thông. |
Với 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm tuyển khoảng 30-40 nghìn người học, chỉ số đào tạo lao động trong bảng xếp hạng PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 đứng thứ 5 toàn quốc, tăng 2 bậc so với năm 2020; 94% lao động tại tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10-17/4 với 17 hoạt động trọng tâm, như chuỗi các hội thảo, hội nghị tư vấn, tuyển sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; các phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh, huyện, xã; phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp"; ký kết và trao biên bản ghi nhớ về tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng lao động. Các hoạt động này được tổ chức tại 23 điểm giao dịch thuộc 9/9 huyện, thành phố của tỉnh và 10 tỉnh, thành phố.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, tính đến 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 214 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gần 27 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và khoảng 204 nghìn lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ở Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động năm 2022 tổ chức vào tháng 4 năm ngoái, 5.300 lượt người đã được tư vấn về chính sách lao động-việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, định hướng nghề nghiệp-việc làm. Bên cạnh đó, 1.600 người đạt phỏng vấn sơ loại và kết nối việc làm thành công. Nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ học nghề cho 65 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.