Nông thôn mới Điện Biên nhiều khởi sắc

NDO - Nhiều năm qua, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên tạo nhiều dấu ấn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng cây mắc-ca là hướng làm giàu, thoát nghèo của nhiều hộ dân các xã đang nỗ lực về đích nông thôn mới.
Trồng cây mắc-ca là hướng làm giàu, thoát nghèo của nhiều hộ dân các xã đang nỗ lực về đích nông thôn mới.

Nỗ lực chung tay góp sức

Phát huy thành quả đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chính quyền và nhân dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên hồ hởi quyết tâm thực hiện, bám sát bộ tiêu chí mới. Với nhiều tiềm năng, chợ đầu mối Bản Phủ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa của các xã phía nam lòng chảo Điện Biên, Di tích lịch sử Thành Bản Phủ thu hút đông khách đến tham quan là điểm nhấn phát triển du lịch, tạo thu nhập cho bà con trên địa bàn.

Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các thôn bản đặc biệt khó khăn, khả năng huy động đóng góp trong dân không cao, nguồn lực đầu tư Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Các nguồn vốn sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được huy động để thực hiện một số chương trình, dự án. Với tiêu chí mức thu nhập, về đích càng muộn thì yêu cầu càng cao, đòi hỏi nỗ lực hết sức. Người dân tập trung thực hiện các tiêu chí không liên quan nhiều đến ngân sách như: bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch… Diện mạo xã khang trang hơn với những con đường sạch đẹp rợp bóng cây xanh, hoa đua sắc. Năm qua, xã xây mới 2 nhà văn hóa, bà con phấn khởi góp công, góp sức hàng trăm triệu đồng chung tay hoàn thiện.

Hội đồng thẩm định của tỉnh vừa họp thống nhất công nhận xã Noong Hẹt đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Duy Hưng chia sẻ kinh nghiệm, mấu chốt là cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong nhân dân, động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, mô hình điển hình tích cực góp sức.

Ông Trần Huy Tấn, chủ cơ sở rượu Nàng Ban cho biết, để tạo công ăn việc làm cho con cháu, gia đình vay vốn ngân hàng cùng tiền tích lũy để đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, sử dụng nguyên liệu 100% là gạo nếp nương. Sau buổi vạn sự khởi đầu nan, sản phẩm dần tạo dựng thương hiệu và được công nhận OCOP 3 sao. Cơ sở mong muốn được hỗ trợ vốn, cơ chế, chính sách để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nông thôn mới Điện Biên nhiều khởi sắc ảnh 1

Cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín.

Sau gần 10 năm nỗ lực phấn đấu, chính quyền và nhân dân xã Quài Tở háo hức chờ đợi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền vận động sâu rộng, bà con thấu hiểu xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích, đồng tình hưởng ứng, không chỉ đóng góp tiền của, ngày công mà còn tình nguyện hiến đất làm đường. Khó nhất là thực hiện tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bởi phụ thuộc vào sinh kế và còn nguy cơ hộ cận nghèo dễ tái nghèo. Những băn khoăn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo thì con đi học không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế được đả thông, giải tỏa. Cùng với phát huy nội lực, Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, huyện dồn lực hỗ trợ xã thực hiện các tiêu chí khó, tạo khí thế lan tỏa trong toàn huyện.

Ông Lò Văn Thiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quài Tở hào hứng chia sẻ, lãnh đạo xã chủ động, quyết tâm, bà con chủ yếu là người dân tộc Thái, đời sống còn khó khăn nhưng nêu cao tinh thần vượt khó, làm ăn khấm khá hơn, tích cực chung tay, cũng nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 11%. Đường sá tới các bản đi lại thuận tiện, trường học khang trang đạt chuẩn quốc gia, thêm nhiều nhà văn hóa kiên cố được xây dựng. Chặng đường phía trước không kém phần gian nan, bà con mong được Đảng, Nhà nước đầu tư hơn nữa. Trong xã vẫn còn không ít hộ “nghèo bền vững”, cần phát huy ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỉ lại, để kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững.

Những chuyển biến tích cực

Xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Trần Văn Thượng bộc bạch, địa bàn các xã rộng, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, huy động trong dân khó khăn. Xã dưới xuôi nhiều điều kiện thuận lợi để về đích nông thôn mới lộ trình thường từ 3 đến 5 năm, ở Điện Biên phải nỗ lực phấn đấu từ 5-10 năm. Trong “cái khó ló cái khôn”, hướng đi phù hợp là kết hợp vừa xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới cấp thôn bản để bảo đảm khả thi, bền vững.

Tổng nguồn lực huy động trong năm 2023 là 8.605.765 triệu đồng, trong đó cộng đồng dân cư đóng góp 7.197 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp, kinh tế nông thôn có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 30,94%. Y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng, đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường ở nông thôn được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: truyền tải các thông điệp, các văn bản chỉ đạo, gương điển hình tiên tiến, phát sóng nhiều tin, bài được biên tập, biên dịch ra tiếng Thái, tiếng Mông để bà con dễ thấm, dễ hiểu, qua đó ý thức xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dần đi vào nề nếp.

Toàn tỉnh có 671/1.269 nhà văn hóa thôn, bản trên tổng số thôn bản khu vực nông thôn, đạt 52,88%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và có đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động; 90/115 xã đạt tiêu chí về trường học, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93%. Nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, hiện cả tỉnh duy trì hơn 10.000 ha các diện tích lúa chất lượng cao, hỗ trợ liên kết sản xuất, phát triển thị trường được mở rộng.

Năm 2023, có 30 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, 77 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Một số hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất làm giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm giày thêu, thêu hoa văn phát triển mạnh. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, xây dựng mới và sửa chữa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích, nhận thức của người dân trong bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn được nâng cao.

Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc, kết quả giải ngân nguồn vốn còn thấp, kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện, các xã không đồng đều, chênh lệch lớn; chất lượng đạt chuẩn nhiều tiêu chí chưa cao, thiếu chiều sâu, chưa thực sự bền vững, còn hiện tượng thỏa mãn sau khi về đích. Các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn lại chủ yếu là những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn và chưa có đơn vị cấp huyện nông thôn mới.

Trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi rất khắt khe, yêu cầu chất lượng cao và bổ sung nhiều tiêu chí mới: thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn từ 36-48 triệu đồng/người/năm trong giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung từ 25-35% trở lên… nên còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện.

Nông thôn mới Điện Biên nhiều khởi sắc ảnh 2

Trường mầm non xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017).

Mục tiêu đề ra là đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 650 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 26,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 22%.

Theo Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Thị Thanh Xuân, một số giải pháp tập trung triển khai là tiếp tục rà soát, nghiên cứu ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp lý phù hợp tình hình mới và điều kiện thực tế tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ bất cập, vướng mắc phát sinh; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Huy động tối đa các nguồn lực và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp, nguồn lực trong xã hội; tăng cường thu hút đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân; phấn đấu thực hiện giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định, bảo đảm các chính sách đến người dân và tránh thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các mô hình phát triển kinh tế du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp…

Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 18,25 triệu đồng/người/năm, số người dân tham gia bảo hiểm y tế thuộc các xã nông thôn là 530.380 người, đạt 94,3%. Toàn tỉnh có 79/115 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.