Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cùng các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân gia đình liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống lịch sử và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đã 70 năm trôi qua, nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng ấy vẫn còn vang vọng mãi, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến lên.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc lại trở về cuộc sống đời thường, học tập, công tác và lao động sản xuất.
Dù ở cương vị vẫn luôn giữ vững bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, là những công dân gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước, là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Thiết thực hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã trực tiếp đến gia đình thăm hỏi, tặng quà 88 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện biên phủ do tuổi cao, sức yếu không thể đến dự chương trình gặp mặt và 39 gia đình thân nhân của liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; ủng hộ tỉnh Điện Biên 500 triệu đồng xây dựng Nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang hỏi thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên. |
Các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tọa đàm, hội thảo, thăm, tặng quà tôn vinh và tri ân; nói chuyện truyền thống, về nguồn, tham quan chiến trường xưa, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang gửi lời chúc sức khỏe và lòng biết ơn sâu sắc tới các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thân nhân gia đình liệt sĩ đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Lãnh tụ kính yêu của dân tộc, linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Đồng chí Lê Thị Kim Dung đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, truyền thống quê hương cách mạng, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh, cống hiến của những người có công với cách mạng để khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức trách nhiệm với lịch sử, với dân tộc; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024 và cả nhiệm kỳ đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trao bằng Truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho thân nhân gia đình mẹ Phạm Thị Nhuần và Trần Thị Minh. |
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người và gia đình người có công với cách mạng, nhất là các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống trung bình khá trở lên, so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Đồng thời, mong muốn và tin tưởng mỗi chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tiếp tục phát huy tinh thần bất diệt của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", ý chí tự lực, tự cường, luôn là tấm gương sáng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo.
Tại buổi gặp mặt, Ban tổ chức đã long trọng tổ chức trao bằng Truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với mẹ: Phạm Thị Nhuần và Trần Thị Minh; tặng 24 suất quà cho các đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.