Kè giảm sóng góp phần gây bồi ven biển Gò Công

NDO - Trong những năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra rất nghiêm trọng, đai rừng phòng hộ dọc theo tuyến biển dần biến mất. Trước tình trạng nêu trên, tỉnh Tiền Giang có nhiều giải pháp ứng phó sạt lở, gây bồi, tạo bãi, tái tạo rừng phòng hộ bằng việc ứng dụng công nghệ kè giảm sóng và đã mang lại hiệu quả bước đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2 được ứng dụng công nghệ để giảm sóng.
Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2 được ứng dụng công nghệ để giảm sóng.

Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển, trong đó, huyện Gò Công Đông có 21 km và huyện Tân Phú Đông dài 11 km. Tuyến đê biển Gò Công được hình thành vào khoảng năm 1930. Khi ấy, tuyến đê này được đắp bằng đất, nhằm ngăn nước mặn tràn vào ruộng lúa một vụ bên trong, phía ngoài đê là rừng ngập mặn. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sóng biển xâm thực ngày càng sâu, sạt lở ăn sâu vào đất liền.

Vì vậy, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng đê kiên cố trên toàn tuyến nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân và diện tích sản xuất phía bên trong. Tuy nhiên, sóng biển tiếp tục xâm thực và uy hiếp cho nên địa phương quyết định xây dựng tuyến đê phòng thủ nằm cách tuyến đê ban đầu từ 400-700m về phía bên trong. Những năm gần đây, tuyến đê phòng thủ tiếp tục bị sóng biển xâm thực và diễn biến ngày càng nghiêm trọng; nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng của Nhà nước bị sóng biển cuốn trôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, 10 năm gần đây, địa phương đã xảy ra 23 điểm sạt lở, tổng chiều dài 11,28 km, gây mất khoảng 700 ha rừng phòng hộ, trong đó, khu vực Cồn Ngang, Cồn Cống (xã Phú Tân, huyện Phú Đông) là khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng. Bà Hoàng Thị Nga, người dân từng sinh sống và canh tác tại Cồn Ngang cho biết: Trước đây, gia đình bà có 8 ha đất để nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng, tuy nhiên, sóng biển đã cuốn trôi tất cả. Giờ đây, gia đình bà lâm vào cảnh trắng tay, phải làm thuê để mưu sinh. Trước đây, con đê nằm rất xa ở ngoài biển. Tuy nhiên, sóng biển đánh vào đất liền ngày càng mạnh và cao nên sạt lở rất nhiều, biển lấn sâu vào bên trong.

Cuối năm 2022, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án kè chống sạt lở Cồn Ngang, với tổng vốn đầu tư hơn 238 tỷ đồng. Tuyến kè này có chiều dài 6,8 km, sử dụng công nghệ đê kè giảm sóng kết cấu rỗng bằng cấu kiện bê-tông cốt thép đặt xa bờ. Đê giảm sóng cùng các công trình phụ trợ không chỉ có tác dụng phòng chống sạt lở mà còn góp phần gây bồi, tạo bãi để địa phương tiếp tục trồng, tái tạo rừng phòng hộ phía trong đê. Hiện nay, dự án này đã cơ bản hoàn thành.

Tại một số vị trí của tuyến đê, bùn, cát đã dần bồi lắng bên trong, cây rừng bắt đầu bén rễ trở lại. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Tân Trần Công Danh cho biết, trước đây, khu vực Cồn Cống, Cồn Ngang là khu vực bãi bồi. Sạt lở tại khu vực này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là ấp Cồn Cống. Hơn 20 hộ dân đã bị sạt lở trên 150 ha đất.

Hiện nay, những vị trí đã được đầu tư kè giảm sóng đã mang lại hiệu quả, góp phần gây bồi một số khu vực. Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, rút kinh nghiệm của những năm trước, đơn vị đã ứng dụng công nghệ đê giảm sóng để phòng chống sạt lở cho khu vực Cồn Cống, Cồn Ngang và Dự án nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2. Qua thời gian theo dõi, công nghệ đê giảm sóng bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Từ hiệu quả mà công nghệ này mang lại, Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư đoạn nối giữa Cồn Cống và Cồn Ngang dài khoảng 3,5 km, với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Nếu được đầu tư, toàn bộ Cồn Ngang sẽ được khép kín hoàn toàn và bảo đảm an toàn cho người dân, phục vụ nhu cầu du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, đê biển Gò Công còn lại một đoạn dài khoảng 6,8 km chưa được đầu tư tuyến đê giảm sóng, tỉnh đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư đoạn này, với kinh phí khoảng 336 tỷ đồng.

Trong chuyến khảo sát vừa qua tại đê biển Gò Công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý để tỉnh Tiền Giang tiếp tục đầu tư đoạn còn lại này. Dự kiến, đến năm 2025, đoạn này sẽ được đầu tư tuyến đê giảm sóng như những đoạn trước đây. Khi đó, toàn bộ bờ biển phía đông của tỉnh Tiền Giang sẽ được khép kín hoàn toàn.

Công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng bảo vệ bờ biển là sản phẩm của đề tài cấp quốc gia nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng chống sạt lở, ổn định dãy bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thực hiện. Tuyến đê giảm sóng là công nghệ mới của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nghiên cứu từ năm 2018. Đến nay, công nghệ này đã được ứng dụng tại một số công trình ở tỉnh Tiền Giang. Qua đánh giá, đo đạc hiện trường, tốc độ bồi lắng từ lúc xây dựng để giảm sóng cho đến nay từ 0,8-1,35m. Bên trong tuyến đê, bùn, cát được bồi lắng giúp cây rừng ngập mặn tái sinh tại một số khu vực. Công nghệ này sử dụng cấu kiện đúc sẵn nên khi gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn có thể tái sử dụng.