Vùng đất lành ấp Giồng Lớn

Nhiều năm qua, chùa Khmer ấp Giồng Lớn (còn có tên gọi khác là chùa Cò) ở xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh luôn thực hiện tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học, tạo môi trường sinh thái lý tưởng cho các loài chim, cò quý hiếm về trú ngụ, sinh sản. Chùa còn là điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương…
0:00 / 0:00
0:00
Sư cả trụ trì chùa Khmer ấp Giồng Lớn khảo sát thực địa để trồng thêm cây xanh, tạo môi trường sống cho đàn chim hoang dã.
Sư cả trụ trì chùa Khmer ấp Giồng Lớn khảo sát thực địa để trồng thêm cây xanh, tạo môi trường sống cho đàn chim hoang dã.

Chùa Cò cách thành phố Trà Vinh hơn 40 km về phía nam. Theo Thượng tọa, Sư cả trụ trì chùa Khmer ấp Giồng Lớn Trương Văn Biển, vài năm trở lại đây, một số loài chim, cò quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đã đến sống và sinh sản nhiều cá thể trong khuôn viên chùa. Những năm qua, hàng chục loài chim hoang dã đến sống, sinh sản được nhà chùa, người dân bảo vệ an toàn. Trên những hàng cây cổ thụ, bờ tre xanh bao quanh chánh điện, lúc nào cũng rợp bóng cò trắng.

Cò trắng cư trú với số lượng lớn, quanh năm nên người dân địa phương, khách tham quan gọi chùa Khmer ấp Giồng Lớn là chùa Cò. Nhà chùa luôn tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ Phật tử, nhân dân sống chung quanh chùa không săn bắn nhằm bảo vệ các loài chim, cò quý hiếm; trồng thêm cây xanh kết hợp với phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề.

Tháng 12/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đề xuất đưa 10 khu vực của tỉnh vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có chùa Cò. Ngôi chùa này có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng. Đây là ngôi chùa Khmer có lịch sử lâu đời, là điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Trà Vinh. Trong khuôn viên chùa là nơi sinh sống, sinh sản thường xuyên, theo mùa với số lượng loài chim hoang dã lớn, trong đó, có các loài chim nguy cấp, quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như cú lợn lưng xám, cò cổ rắn, điêng điểng, cò lạo Ấn Độ, giang sen, cò nhạn…

Cùng với đó, trong khuôn viên chùa còn có các loài thú thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam như cầy vòi hương, mèo rừng, rắn ráo, rắn ráo trâu, tắc kè, rùa ba gờ và các loài lưỡng cư, trong đó có ếch giun…

Chùa Cò còn có hệ thực vật phong phú với 70 loài thuộc 33 họ; trong đó bốn loài có tên trong Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam gồm thiết đinh lá bẹ, dầu con rái, sao đen, xà cừ…

Anh Vũ Thành Trung, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đến đây, anh rất thích thú khi được hít thở không khí trong lành, đắm mình trong một không gian xanh thanh bình, yên tĩnh. Chùa Cò là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, có lịch sử hình thành rất lâu đời, có sự hòa quyện độc đáo về văn hóa Việt, Ấn Độ. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây cổ thụ rậm rạp, những bờ tre, ao nước xanh mát, có hàng chục nghìn con chim, cò hoang dã, quý hiếm trú ngụ. Chiều về, tiếng chim râm ran, từng đàn chim, cò thỉnh thoảng bay quanh mái chùa cổ kính tạo nên cảnh sắc yên bình, thơ mộng…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, để thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nâng cao đời sống của đồng bào Khmer, tỉnh đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch di sản văn hóa, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng.

Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương của Trà Vinh sẽ tiến hành các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái và bảo đảm tính toàn vẹn, mối quan hệ tự nhiên, xã hội, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, bảo tồn và khai thác các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số để thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống nhân dân…■