Phòng, chống xâm thực bờ biển

Chịu tác động của nhiều hình thái thời tiết cực đoan, thời gian gần đây bờ biển Cà Mau liên tục bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. Cà Mau đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở vùng ven biển…
0:00 / 0:00
0:00
Một công trình kè bảo vệ bờ biển tại Cà Mau.
Một công trình kè bảo vệ bờ biển tại Cà Mau.

Vừa thu xong mẻ lưới sát mé biển Gành Hào (ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), vợ chồng ông Lâm Văn Sáu chạy xuồng vào sâu trong con rạch vì trời chuyển mưa u ám, sóng biển có thể nhấn chìm phương tiện mưu sinh của vợ chồng ông. Khu vực biển, nơi ông Sáu hành nghề trải dài đến tận mũi Cà Mau, hơn 100 km. Dọc tuyến ấy, bờ biển bị sóng đánh xói lở nặng nề, cây rừng bị ngã đổ la liệt. Một số đoạn sạt lở ở mức độ báo động, như: Khu vực cửa biển Lưu Hoa Thanh; Hố Gùi đến Bồ Đề; cửa biển Hốc Năng; kênh Năm đến kênh Chùm Gọng; Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy; Kiến Vàng đến Ông Tà…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng cho biết, toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 91/254 km bờ biển đang bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22 km; bờ biển Ðông sạt lở đặc biệt nguy hiểm hơn 29 km và sạt lở nguy hiểm hơn 40 km. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ vùng ven biển của tỉnh hơn 5.200 ha. Riêng bờ biển Ðông, trong giai đoạn 1990-2023, trung bình mỗi năm biển xâm thực vào đất liền khoảng 25,4m; tổng diện tích đất và rừng đã bị mất hoàn toàn lên đến hơn 8.820 ha.

Tại huyện U Minh, thời điểm năm 2006 có đến 741 ha rừng ngập mặn ven biển, nay đã bị mất 228 ha (khoảng 30%). Số đai rừng ngập mặn còn lại rất hẹp, không đủ sức bảo vệ đê và đường ven biển. Do sạt lở xảy ra thường xuyên cho nên đường bờ biển bị dịch sâu vào đất liền…

Nhờ Trung ương hỗ trợ, đến nay, Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 63 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bờ biển Tây được đầu tư hơn 43 km kè (khoảng hơn 1.100 tỷ đồng); bờ biển Ðông hơn 19 km kè (hơn 900 tỷ đồng). Các công trình bước đầu phát huy hiệu quả, không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mà còn giúp bảo vệ hàng chục nghìn héc-ta đất vùng ven biển trước tình trạng biển xâm thực.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, việc đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại địa phương trong thời gian qua luôn trong thế bị động, hầu hết triển khai theo tình huống khẩn cấp, không thể không làm. 5 năm gần đây, đê biển Cà Mau nhiều lần bị sóng biển uy hiếp nhưng chưa đoạn nào bị phá vỡ. Tại khu vực bờ biển Tây, bên trong nhiều công trình kè chống sạt lở đã tạo được vùng bồi lắng, giúp khôi phục lại diện tích không nhỏ đai rừng ven biển. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư cho công trình phòng chống sạt lở khá lớn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách cấp thì phải vài chục năm, Cà Mau mới "vá" được hết các khu vực bị "tổn thương" do biển xâm thực gây nên.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, nếu để biển xâm thực sâu vào đất liền, vùng ven biển Cà Mau không chỉ mất thêm đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng, bao gồm cả các công trình ngăn mặn. Trong trường hợp này, chúng ta buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp, phải tốn kinh phí đầu tư trong tình thế đã rồi; việc xây dựng công trình cũng sẽ rất tốn kém, cần nhiều thời gian để khôi phục lại diện tích đất và cây rừng đã mất. Nếu chủ động hơn về vốn để bảo vệ từ đầu, chúng ta không mất đất, mất rừng.

Để chủ động phòng chống xâm thực bờ biển, Cà Mau kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép thí điểm thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù bằng cách cho phép tỉnh giao doanh nghiệp thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ nằm phía sau công trình kè đối với khu đất đã bị sạt lở để xây dựng công trình, dự án phát triển kinh tế; hoặc giao đất ở vị trí khác để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án kè bảo vệ bờ biển. Cùng với đó, cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện các dự án thí điểm nêu trên; cho phép điều chỉnh kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng ven biển phù hợp với thực trạng diễn biến sạt lở mà không phải chờ 5 năm theo quy định…