Những ngày này, nông dân trồng lúa ở các địa phương phía đông của tỉnh Tiền Giang đang tất bật làm đất, vệ sinh đồng ruộng, khai thông cống rãnh… để chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu 2024. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông có 0,4 ha đất trồng lúa, hiện tại gia đình ông đã cày xới đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị nguồn giống để chờ thời điểm thích hợp xuống giống.
Ông Bảy vừa sửa lại bờ ranh, vừa cho biết: “Thời điểm này, lượng mưa ít hơn so với các năm trước, tuy vậy các cống chủ lực bắt đầu vận hành nhằm tăng lượng lấy nước ngọt vào nội đồng, nguồn nước ở các tuyến kênh lớn khá nhiều. Do đó, người dân tranh thủ lấy nước để vệ sinh ruộng đồng và bắt đầu xuống giống vào đầu tháng 6/2024”.
Vụ lúa này, nông dân huyện Gò Công Đông dự kiến xuống giống 8.000 ha, các giống lúa được sử dụng là: VD 20, ST 24, OM 7347, Nàng Hoa 9. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Quí thông tin, hiện người dân đã chuẩn bị xong và chờ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang thực hiện xổ xả để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước bên trong nội đồng và mặn ở cuối nguồn, khi nào chất lượng nước trong các tuyến kênh nội đồng bảo đảm mới xuống giống.
Tại huyện Gò Công Tây, một số nông dân có ruộng lúa ở ven các tuyến kênh lớn, nguồn nước dồi dào, chất lượng nước bảo đảm đã tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu 2024. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây xuống giống 0,7 ha lúa Hương Châu 6 vào ngày 29/5. Khi chúng tôi đến, ông cũng vừa xuống giống xong và đang phun thuốc diệt sâu rầy trên đồng ruộng. Ông cho biết: “Địa phương khuyến cáo nên xuống giống vào đầu tháng 6, tuy nhiên do nguồn nước nơi đây nhiều, mưa cũng đã vào mùa cho nên chúng tôi tranh thủ xuống giống để kịp thời gian canh tác 3 vụ lúa/năm”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, địa phương dự kiến xuống giống vụ lúa hè thu 2024 khoảng 7.800 ha, nhưng do tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu, nhiều nông dân có thể chuyển sang trồng rau màu. Hiện tại, địa phương đã có hơn 700 ha lúa xuống giống sớm. Những diện tích này nằm cạnh kênh lớn, nhiều nước, chất lượng nước tốt cho nên không bị thiệt hại. Đầu tháng 6/2024, nông dân sẽ xuống giống tập trung hơn theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Trong vụ lúa này, nông dân các địa phương phía đông của tỉnh Tiền Giang dự kiến xuống giống gần 20.000 ha, các giống lúa được gieo trồng nhiều là: VD 20, ST 24, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451… Để bảo đảm sản xuất vụ lúa hè thu năm nay an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt; quản lý chặt chẽ tránh để xảy ra tình trạng người dân nôn nóng xuống giống sớm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa dẫn đến thiệt hại do phèn, thiếu nước đầu vụ.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Men cho biết, ngành nông nghiệp đưa ra lịch thời vụ xuống giống lúa cho các huyện phía đông từ ngày 1/6 đến 15/6 bởi Tiền Giang đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa từ nửa cuối tháng 5 và cống Xuân Hòa đã tăng lượng lấy nước ngọt vào nội đồng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có điều chỉnh kịp thời, bảo đảm gieo sạ không bị thiệt hại.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường thăm đồng để kiểm tra tình hình xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía đông. Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ các diện tích đã xuống giống; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường tập huấn đầu vụ để chuyển giao khoa học-kỹ thuật vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa bảo đảm năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường.
Xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm dần Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục giảm. Độ mặn cao nhất tại cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo đã giảm về dưới 1g/l. Hiện tại cống Xuân Hòa đang vận hành lấy nước liên tục cung cấp vào vùng ngọt hóa Gò Công để xổ xả phèn, mặn phục vụ sản xuất. Đối với Dự án Phú Thạnh-Phú Đông, cống Lồ Ồ, Tân Xuân vận hành lấy nước, cống Lý Hoàng vận hành xả nước; các cống còn lại đóng ngăn mặn. Dự án Bảo Định, cống Gò Cát, Bảo Định vận hành lấy nước; cống Xoài Hột và các cống trên đường tỉnh 864 vận hành tự do. Dự báo, trong vài ngày tới, mặn tiếp tục rút dần và sẽ kết thúc mùa xâm nhập mặn. |