Bảo vệ môi trường, phục hồi sản xuất tại các cù lao

Hàng chục hộ dân trên địa bàn các xã cù lao của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long phản ánh tình trạng các hộ nuôi lươn bằng nước ngầm bị nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái. Huyện Long Hồ đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh đến hiện trường khảo sát tìm ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình chị Phan Thị Diệu bị thiệt hại do mở rộng diện tích sản xuất nhưng chưa thả nuôi lươn.
Gia đình chị Phan Thị Diệu bị thiệt hại do mở rộng diện tích sản xuất nhưng chưa thả nuôi lươn.

Sau đợt nắng nóng kéo dài, nhiều cây trồng ở các xã cù lao của huyện Long Hồ bị héo lá, chết cành, nhiều nhất là ở xã Bình Hòa Phước. Bà Nguyễn Thị Sáu ở ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước có hơn 5 công (5.000 m2) đất trồng chôm chôm đã 25 năm. Năm nay, nhiều cây chôm chôm lớn bị suy kiệt, cây mới trồng được 2-3 tháng cùng với thời điểm nắng nóng kéo dài cũng èo uột. Bà Nguyễn Thị Sáu chia sẻ: “Vườn nhà tôi trồng nhiều loại cây nhưng chỉ có chôm chôm là bị cháy lá và suy kiệt, gia đình tôi phải đốn bỏ, thiệt hại cả trăm triệu đồng”.

Nhiều người ở ấp cho rằng, nguyên nhân là do các hộ nuôi lươn sử dụng nước ngầm nhiễm mặn gây ra. Tuy nhiên, người nuôi lươn cũng bị thiệt hại do thay đổi cách sản xuất, bán lươn chưa tới lứa và cắt nhiều hợp đồng cung cấp lươn cho đối tác.

Gia đình chị Phan Thị Diệu ở xã Bình Hòa Phước là một trong những cơ sở nuôi lươn và cung cấp lươn giống hơn 10 năm nay, trung bình mỗi tháng xuất khoảng 50 nghìn con lươn giống. Đầu năm 2024, cơ sở tăng thêm 60 bể nuôi, tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng. Chị Diệu cho biết: “Khi có người dân khiếu nại, chính quyền địa phương yêu cầu chúng tôi chuyển sang sản xuất bằng nước mặt hơn hai tháng nay khiến nguồn sản xuất giảm 70%, cắt hợp đồng cung ứng lươn giống khoảng 50%, thiệt hại rất lớn…”.

Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các ban, ngành có liên quan của tỉnh đã đến khảo sát tình hình thiệt hại vườn cây ăn trái tại các xã cù lao huyện Long Hồ. Tổ công tác ghi nhận nhiều vườn cây, nhất là chôm chôm và sầu riêng, có biểu hiện cháy lá, rụng lá, chết nhánh. Trong các mương vườn thuộc các xã An Bình, Đồng Phú và Bình Hòa Phước cũng như trên tuyến sông Cổ Chiên ghi nhận độ mặn khoảng 0,2‰…

Theo đánh giá của Tổ công tác, hiện tượng cây suy kiệt không chỉ do bị ảnh hưởng từ nước xả thải trực tiếp của hộ nuôi lươn ra sông, rạch. Ở đây có nhiều yếu tố gây nên như thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiệt độ môi trường tự nhiên cao… Bên cạnh đó, một số nhà vườn còn chủ quan trong việc kiểm tra nước tưới, một số hộ nóng vội trong việc bón phân cho cây trồng trong thời điểm nắng hạn cũng đã gây ảnh hưởng đến cây trồng, khiến cây suy kiệt.

Tổ công tác cũng đã kiểm tra 15 hộ nuôi lươn sử dụng nguồn nước giếng khoan và đã yêu cầu các hộ này dừng ngay việc sử dụng nước giếng để nuôi lươn và yêu cầu xử lý nước trước khi thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn. Các hộ này đều thống nhất không sử dụng nước giếng để nuôi lươn và đã khắc phục bằng cách bán sớm số lượng lươn mà thương lái có thể mua. Nhiều hộ chuyển sang sử dụng nước sông, xây hồ, đào ao trữ nước mặt để thay thế nước giếng…

Nhằm hạn chế thiệt hại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ phối hợp Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa Phước tổ chức hai lớp tập huấn cho hộ nuôi lươn chuyển sang nuôi nước mặt. Cùng với đó, hướng dẫn người dân có biện pháp giúp cho vườn cây ăn trái chống chịu thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ tăng cao, khô hạn kéo dài và hạn mặn.

Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chuyên môn của tỉnh đề ra giải pháp phù hợp để hỗ trợ nhà vườn phục hồi các vườn cây bị thiệt hại. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên theo dõi độ mặn để có dự báo, cảnh báo người dân tưới cây kết hợp với mùa mưa để rửa mặn; cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân để cây trồng phục hồi; tập huấn cho các hộ nuôi lươn chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã rà soát các vườn cây ăn trái bị chết do nắng nóng, hạn mặn tham mưu Ủy ban nhân dân huyện lập dự án hỗ trợ giống cây trồng để phục hồi sản xuất; giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xử lý nghiêm các hộ dân không tuân thủ, còn tiếp tục sử dụng giếng khoan không đúng quy định…