Chủ động canh tác vụ lúa hè thu hiệu quả

Là địa phương ven biển, tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng trực tiếp hạn và xâm nhập mặn. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bố trí lịch thời vụ linh hoạt và bảo đảm nguồn nước ngọt tưới tiêu, đến nay, Sóc Trăng đang triển khai canh tác vụ lúa hè thu năm 2024 bảo đảm hiệu quả...
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa chất lượng cao.
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa chất lượng cao.

Để chủ động trong sản xuất, giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã hướng dẫn nông dân lịch xuống giống vụ lúa hè thu một cách cụ thể. Theo kế hoạch, Sóc Trăng xuống giống vụ hè thu năm nay 139.360 ha gồm ba đợt, đợt 1 từ ngày 1 đến 30/4 ở những vùng chủ động nguồn nước tưới tiêu; đợt 2 từ ngày 1 đến 31/5 và đợt 3 xuống giống dứt điểm trước ngày 30/6.

Ðến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống hơn 47.000 ha lúa, tập trung tại các huyện: Mỹ Tú, Châu Thành, Kế Sách, Thạnh Trị, Long Phú và thị xã Ngã Năm với các giống chủ lực như OM5451, OM18, OM34, Ðài Thơm 8, ST24…

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Trần Vĩnh Nghi cho biết, đối với khu vực trũng ở các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, thị xã Ngã Năm, nhờ bảo đảm nguồn nước ngọt, khuyến cáo nông dân xuống giống trong đợt 1 để hạn chế thiệt hại do mưa dông thường xuất hiện vào cuối vụ. Các vùng canh tác lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở các huyện: Long Phú, Trần Ðề, thành phố Sóc Trăng và một phần các huyện: Kế Sách, Châu Thành và Mỹ Xuyên sẽ xuống giống vào đợt 2 và đợt 3. Khuyến cáo bà con nông dân không nên gieo sạ nếu chưa có nguồn nước ngọt ổn định; chỉ tổ chức canh tác khi đã xuất hiện mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước bảo đảm. Cùng với đó, tuân thủ lịch xuống giống của ngành chuyên môn và địa phương, bảo đảm xuống giống tập trung, né rầy.

Ðối với các vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cần rửa phèn và mặn thật kỹ trước khi xuống giống. Tiến hành đo độ mặn dưới 1‰ và pH đất từ 5,5-7 mới xuống giống. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm-3 tăng”, “1 phải-5 giảm”, tưới ngập, khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước và tăng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm Hồng Minh Nhật thông tin, đến nay, địa phương đã gieo sạ hơn 18.000 ha lúa, đạt hơn 98% diện tích theo kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024. Các giống chủ lực như ST24, RVT, Ðài Thơm và nhóm giống OM thơm nhẹ khác được bà con nông dân sử dụng trong vụ này.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã gia cố các trạm bơm điện trên địa bàn để phục vụ bơm tát. Hiện đã có 70 trạm bơm điện khép kín trên 62% diện tích sản xuất lúa của địa phương. Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng phối hợp Ban Quản lý cống Âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu điều tiết ngăn nước mặn xâm nhập hỗ trợ nhà nông gieo sạ lúa.

Ông Nguyễn Văn Lưu ở khóm Vĩnh Mỹ, Phường 3, thị xã Ngã Năm cho biết, vụ hè thu năm nay gia đình ông sản xuất 2 ha lúa giống OM18. Nhờ tuân thủ các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, hiện cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, ít sâu bệnh và phát triển khá tốt. Ruộng nằm trong đê bao khép kín và có trạm bơm điện nên nguồn nước được cung cấp khá đầy đủ. Ngành chuyên môn hướng dẫn sớm hơn 20 ngày so với mọi năm, hy vọng vụ lúa năm nay sẽ đạt năng suất cao.

Huyện Mỹ Tú cũng là vùng có thể chủ động nguồn nước ngọt nên đã xuống giống gần 15.000 ha lúa hè thu, đạt 64% so với kế hoạch sản xuất. Hiện, cây lúa đang phát triển tốt và trong giai đoạn mạ. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, vụ hè thu này toàn huyện sẽ xuống giống 22.732 ha lúa. Huyện đã triển khai nạo vét một số kênh trục chính, tập trung xử lý thủy lợi nội đồng ở một số vùng chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới tiêu…

Ðến nay, việc sản xuất vụ lúa hè thu năm 2024 của toàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng hơn 6.000 ha so với cùng kỳ. Ngành chức năng khuyến nghị bà con nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận để sản xuất, ưu tiên sử dụng giống có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo nhằm bảo đảm một vụ sản xuất thắng lợi.