Tại huyện vùng sâu Hồng Dân, mấy ngày qua, một số tuyến đường và nhiều ngôi nhà của các hộ dân bị sạt lở, sụt lún rất nghiêm trọng, khiến một số hộ dân bị mất nhà ở, cuộc sống hết sức khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hồng Dân Nguyễn Hoàng Vũ, do hạn hán, mực nước trên các tuyến sông, kênh, rạch xuống thấp đã làm một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sụt lún. Toàn huyện phát sinh hơn 20 điểm, tổng chiều dài gần 1.500m, ảnh hưởng nhà cửa của nhiều hộ dân.
Địa bàn ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân có hai điểm sụt lún và sạt lở với chiều dài gần 400m, cùng nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún khác. Ông Nguyễn Văn Việt ở ấp Ninh Tiến cho biết: “Mấy tháng qua, tại đây nước dưới sông xuống rất thấp so với nhiều năm trước khiến đường bê-tông vừa đưa vào sử dụng vài tuần đã bị sụt lún nặng. Việc đi lại của nhiều hộ dân chúng tôi vô cùng khó khăn... ”.
Tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, gần đây, sụt lún đất khiến căn nhà mới xây của chị Đỗ Thị Huyền “trôi” xuống rạch. “Căn nhà bị sụt xuống rạch, không thể sửa chữa, gia đình tôi phải tốn thêm vài chục triệu đồng để phá dỡ, cố gắng vớt vát phần nào còn sử dụng được”, chị Đỗ Thị Huyền nói.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Hồng Dân, từ đầu năm 2024 đến nay, ở các xã Ninh Quới, Ninh Quới A, thị trấn Ngan Dừa đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở, sụt lún đất, làm hư hỏng hơn 1.500m đường giao thông, thiệt hại nhiều căn nhà, cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện giao thông; vận động những hộ dân có điều kiện di dời ra khỏi khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở cao.
Trước đó, tại xã Tân Phong, thị xã Giá Rai cũng xảy ra sạt lở bờ phía bắc sông Bạc Liêu-Cà Mau làm 96 căn nhà của người dân bị sụt một phần nhà sau và xuất hiện các vết nứt; tổng chiều dài đoạn sạt lở, có nguy cơ sạt lở hơn 200m. Tại vùng ven biển huyện Đông Hải, thời gian qua cũng liên tục xảy ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở hai bên các tuyến sông, kênh, rạch, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của nhiều người dân…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhất là hai huyện Hồng Dân, Đông Hải và thị xã Giá Rai, cần tích cực, chủ động, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sạt lở, sụt lún đất gây ra; triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Đối với những khu vực thường bị sạt lở, sụt lún, cần khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn và lắp đặt biển cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, nhất là những địa phương bị ảnh hưởng nặng do sạt lở, sụt lún đất, cần phối hợp chặt chẽ các sở, ngành chức năng theo dõi diễn biến tình hình, kịp thời có giải pháp ứng cứu, xử lý, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, chính quyền và các đơn vị chức năng cần khảo sát, đánh giá mức độ an toàn chung quanh các vụ sạt lở, những vị trí có nguy cơ mất an toàn, tuyên truyền cho người dân biết để chủ động phòng ngừa; phải có phương án khắc phục sạt lở, di dời hạ tầng, xử lý môi trường các khu vực sạt lở. Về lâu dài, các huyện, thị xã và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần xem xét, nghiên cứu, sớm tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp khắc phục cụ thể, khoa học, hiệu quả, bền vững, bảo đảm an toàn tính mạng, nhà cửa, tài sản và việc sản xuất của nhân dân...