Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bến Tre xuất hiện nhiều tour du lịch gắn với hoạt động trồng rừng thu hút du khách trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch độc đáo này góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch trải nghiệm trồng rừng tại sông Ba Lai (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Khách du lịch trải nghiệm trồng rừng tại sông Ba Lai (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Trải nghiệm thú vị

Ðoàn khách từ tỉnh Bình Dương đến Khu du lịch Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri) để cùng tham gia tour du lịch rất đặc biệt là vừa khám phá khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, vừa trồng rừng bảo vệ môi trường. Sau khi tham gia một số trò chơi khởi động, du khách được di chuyển lên tàu rồi ra giữa sông Ba Lai để trồng rừng.

Tại đây, có cồn cát nổi lên khi nước ròng được khách trồng cây bần, dừa nước. Hầu hết khách du lịch là dân văn phòng nên ai cũng hào hứng với lần đầu trải nghiệm trồng rừng.

Chị Lê Hà Trang, nhân viên Công ty Behn Meyer Việt Nam (đóng tại tỉnh Bình Dương) cho biết: "Sau hơn 1 giờ lội bùn, tôi và chị em trong đoàn rất mệt nhưng có cảm giác thú vị lần đầu tiên trong đời là trồng từng cây bần, cây dừa nước. Khi đó, mọi áp lực công việc, nhịp sống ồn ào ở thành phố đông đúc đều tan biến. Tour du lịch này rất thú vị khi góp phần bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta nên tôi nghĩ trong thời gian tới sẽ có nhiều khách du lịch đến đây trải nghiệm".

Tham gia đoàn có nhiều em nhỏ là học sinh cũng theo cha mẹ trồng rừng. Cháu Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Kim Ðồng (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Ban đầu con có cảm giác sợ khi lội nước và bị lún dưới lớp bùn mềm, nhưng một lúc sau quen nên không còn sợ nữa. Ở trường, cô giáo cũng dạy về bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, trồng cây xanh… nhưng đây là lần đầu tiên con cùng mẹ vừa đi du lịch vừa trồng rừng. Con thấy việc làm này rất ý nghĩa".

Theo Giám đốc Khu du lịch Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ Ðoàn Thị Mỹ Nhu, đơn vị khai thác tour du lịch kết hợp trồng rừng khoảng 3 năm nay. Ban đầu, mỗi năm có vài đoàn tham gia nhưng gần đây hầu như tháng nào cũng có khách du lịch đến trồng rừng. Một số khách quay trở lại để xem những cây mình đã trồng bây giờ phát triển như thế nào và tiếp tục trồng thêm cây mới giữa dòng Ba Lai.

Khu du lịch Người Giữ Rừng (xã Thạnh Phước, huyện Bình Ðại) cũng thiết kế tour du lịch tham quan rừng ngập mặn và trồng rừng. Giám đốc điều hành khu du lịch Nguyễn Tấn Vàng thông tin, gần đây có khoảng 20 đoàn khách trong và ngoài nước tham gia tour trồng cây đước là cây đặc trưng ở rừng ngập mặn của địa phương.

Dự kiến, trong tháng 7 này sẽ có đoàn sinh viên nước ngoài đặt lịch đến. Ðây sẽ là hoạt động thu hút nhiều khách du lịch thời gian tới, đặc biệt là những em học sinh rất thích được khám phá quy trình nuôi trồng, chế biến thủy sản, tìm hiểu sự sinh trưởng của các loài như đước, dừa nước… rừng ngập mặn và trực tiếp trồng rừng.

Tại Khu du lịch Người Giữ Rừng ngoài các điểm tham quan nuôi hàu, cá, tôm, bơi xuồng… dưới tán rừng đước, dừa nước còn dành riêng 1,2 ha đất ngập nước để du khách trải nghiệm trồng rừng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm với môi trường sống ngày càng bị thay đổi do biến đổi khí hậu.

Hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững

Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T Võ Văn Phong cho biết: "Thời gian gần đây, ngành du lịch tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng cao, xói lở bờ biển, hạn hán... ảnh hưởng trực tiếp các điểm du lịch ven biển và khu du lịch sinh thái. Ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường du lịch, sức khỏe du khách và trải nghiệm du lịch. Công ty chúng tôi đang có tour Net zero sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện môi trường, như xe điện, xe đạp, ghe, xuồng... và chủ trương ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo tại các cơ sở lưu trú, điểm tham quan. Hạn chế rác thải nhựa, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường. Ngoài ra, khi tham gia tour du lịch này, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động trồng cây bần, cây đước, dừa nước; sử dụng các nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… là những hoạt động bù đắp phát thải carbon khi tham gia du lịch. Sản phẩm này hứa hẹn không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch độc đáo và ý nghĩa mà còn đóng góp vào bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng".

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung, tỉnh đang phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường. Hiện sở đang có kế hoạch phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương, du khách; tổ chức các hoạt động phối hợp trong hệ thống chính trị, đoàn thể, thanh niên và du khách trồng cây gây rừng, thu gom rác thải nhằm tạo hiệu ứng, cộng hưởng trực tiếp từ các phía, hướng đến Net zero tour gắn liền với du lịch xanh... Ngành du lịch tỉnh đang dự thảo bộ tiêu chí Du lịch xanh Bến Tre để các cá nhân, doanh nghiệp lữ hành, nhà chuyên môn góp ý, hoàn chỉnh, từ đó định hướng phát triển hoạt động du lịch khai thác có trách nhiệm đối với các tài nguyên tự nhiên, văn hóa bản địa; tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo con người phục vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.