Hà Nội triển khai nhiều giải pháp để nâng cao thứ hạng

Trong những năm gần đây, để đánh giá, so sánh các địa phương về năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, cải cách hành chính hay về hiệu quả quản trị công của các địa phương, nhiều chỉ số đã được xây dựng và công bố hằng năm.
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai chính quyền điện tử tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. (Ảnh CÔNG TÂM)
Triển khai chính quyền điện tử tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. (Ảnh CÔNG TÂM)

Trên cơ sở đó, các địa phương có cơ sở nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành từ đó có giải pháp phù hợp trong cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công.

Mới đây, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 đã được công bố. Hà Nội dẫn đầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số cao với bốn chỉ số nội dung trong nhóm điểm cao gồm: "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương"; "Cung ứng dịch vụ công" và "Quản trị điện tử".

Năm 2024, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 04/CTr-UBND thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR-Index (Chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước). Việc nâng cao thứ hạng các chỉ số đánh giá sẽ có tác động lớn, trực diện đến tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Theo Chương trình hành động, thành phố tập trung thực hiện 24 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng từ 6,5 đến 7%; GRDP/người đạt từ 160 đến 162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5 đến 11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 4 đến 5%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4%... Cùng với hai đồ án quy hoạch lớn, Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được thành phố hoàn thiện với những quy định mang tính đặc thù vượt trội, đột phá về thể chế, góp phần phát huy thế mạnh, để Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Bên cạnh những chỉ số do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các bộ, ngành ban hành, đánh giá, một số đơn vị tư vấn cũng đã có những nghiên cứu, phân tích dựa trên các số liệu tổng hợp từ các nguồn chính thức. Mới đây, đơn vị tư vấn Sen Vàng cũng đã công bố báo cáo đánh giá "Tốp 20 tỉnh, thành phố có nhiều động lực phát triển giai đoạn 2024-2025". Hà Nội là địa phương đứng thứ hai, sau Thành phố Hồ Chí Minh với điểm số "sát nút" tại cả ba bảng điểm.

Danh sách 20 tỉnh, thành phố có nhiều động lực phát triển trong năm 2024-2025 được đưa ra thông qua so sánh và tổng hợp các tiêu chí: Bảng điểm về quy hoạch chung và điều kiện tự nhiên có các tiêu chí như: dự án trọng điểm, hành lang kinh tế, thực hiện đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, khí hậu, bờ biển... Bảng điểm về điều kiện xã hội có các tiêu chí như: dân số, tỷ lệ đô thị hóa, nhập cư, lực lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, lựa chọn của người dân khi muốn di cư... Bảng điểm về kinh tế có các tiêu chí như GRDP, thu nhập lao động bình quân, xuất khẩu, đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài...

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành viên sáng lập Sen Vàng Group cho biết, thông qua đánh giá động lực phát triển và một số tiêu chí đánh giá về lĩnh vực bất động sản, Sen Vàng cũng đã đưa ra báo cáo "Tốp 20 tỉnh, thành phố tiềm năng phát triển bất động sản 2024-2025". Ở báo cáo này, Hà Nội đã vượt qua Thành phố Hồ Chí Minh để trở thành địa phương có tiềm năng nhất về phát triển bất động sản.

Ðánh giá về tiềm năng phát triển lĩnh vực bất động sản được giới đầu tư đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến dư địa phát triển, động thái dòng tiền. Những diễn biến này cũng nói lên các yếu tố như môi trường đầu tư, cải cách hành chính, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền đối với hoạt động của doanh nghiệp...

Báo cáo mới được công bố của batdongsan.com.vn và CBRE Việt Nam cho thấy, giới đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh đang dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường bất động sản Hà Nội. Một số chủ đầu tư phía nam đã hiện diện tại Hà Nội. Theo số liệu từ batdongsan.com.vn, số lượng người tìm kiếm chung cư Hà Nội đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5 lần (tính từ quý I năm 2021 đến thời điểm hiện tại). Trong cùng khoảng thời gian, lượng tìm kiếm chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 2 lần.