Dự án tái định cư làm chậm dự án chính

NDO - Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai một số dự án giao thông trọng điểm, trong đó, có dự án lớn, tính liên kết, kết nối cao với tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ để tạo động lực, dư địa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, dự án tái định cư nằm trong dự án đầu tư đang là "nút thắt" ảnh hưởng đến tiến độ các tuyến đường này.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc đang được triển khai thi công.
Dự án đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc đang được triển khai thi công.

Dự án lớn chờ tái định cư

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ít nhất là đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng thi công các tuyến đường liên tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn là áp lực rất lớn đối với lãnh đạo, đội ngũ cán bộ Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên. Vì nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng chủ yếu là do giải phóng mặt bằng chậm, trong đó có "nút thắt" là tái định cư cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng.

Theo quy định, dự án tái định cư nằm trong dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông. Khi dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được phê duyệt, triển khai, thì mới có vốn để bắt đầu triển khai các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, trong đó có việc triển khai dự án tái định cư.

Khi dự án giao thông được triển khai thi công thì mới bắt đầu làm các thủ tục triển khai dự án tái định cư với các bước, như quy hoạch đất tái định cư, đấu thầu tư vấn lập quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng; thẩm định-phê duyệt quy hoạch; thiết kế-thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công; đánh giá tác động môi trường, lập hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường; phê duyệt, thẩm định đấu thầu thi công; đấu thầu thi công.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường, cho biết: Nếu các cấp, cơ quan chức năng thực hiện đúng thời gian theo quy trình, thủ tục đối với dự án tái định cư thì tối thiểu cũng mất 345 ngày, có những dự án tái định cư kéo dài 700-800 ngày, trong khi đó thời gian xây dựng dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội chỉ có 450 ngày, nên áp lực, nguy cơ dự án giao thông bị chậm tiến độ là rất lớn.

Nhiều nhà đầu thi công đường giao thông cho rằng, khi đã bị ép tiến độ, quy trình xây dựng, chất lượng vật liệu có khi không được kiểm tra, nghiệm thu nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Kiến nghị tách tái định cư thành dự án riêng

Dự án tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km đang được triển khai, phải thực hiện hơn 10 dự án tái định cư nằm trong dự án giao thông với khối lượng công việc rất lớn. Ở nhiều đoạn trên tuyến đường này, thời gian vừa qua phải chờ người dân chuyển đến khu tái định cư thì mới có mặt bằng thi công, nên đang có nguy cơ chậm tiến độ.

Vì khi dự án tái định cư được thi công xong, mất ít nhất là 6 tháng để người dân xây dựng nhà cửa và chuyển đến sinh sống, lúc này mới có mặt bằng để thi công dự án giao thông thì đã chậm tiến độ. Với nguyên nhân này, có gần 1km đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đi qua khu vực đông dân cư, phải tái định cư, nên nhiều khả năng sẽ bị chậm tiến độ, phải ra hạn.

Theo chủ đầu tư dự án công trình giao thông đồng thời là chủ đầu tư dự án tái định cư thì tiến độ xây dựng khu tái định cư sẽ nhanh hơn nếu giao cho cấp huyện làm chủ đầu tư dự án tái định cư, thường là tiến độ bị kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án chính, đó là dự án giao thông.

Gỡ "nút thắt" này, để dự án giao thông-dự án chính không phải chờ đợi dự án tái định cư, tỉnh Thái Nguyên và nhiều địa phương khác kiến nghị tách tái định cư thành dự án độc lập, thực hiện trước, để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án giao thông như hiện nay.