Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm I ở thành phố Thái Nguyên có diện tích hơn 70ha, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý II/2017 đến quý III/2024. Để triển khai dự án, cần giải phóng mặt bằng diện tích liên quan đến hơn 360 hộ gia đình, trong đó có hơn 150 hộ gia đình phải tái định cư.
Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư chưa được thành phố Thái Nguyên triển khai, cho nên việc xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm I đang bị chậm tiến độ.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ, dự án đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm I đã phải điều chỉnh một số lần, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Dự án đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương rộng gần 75ha trên địa bàn huyện Phú Bình, nằm ngay cạnh tuyến đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội, mặt đường rộng từ 4 đến 6 làn xe, kết nối với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, các quốc lộ 3 và 37, cho nên rất thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa.
Theo phê duyệt dự án, hết năm 2023 là hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp này, nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được 58ha và mới chỉ dừng lại ở việc san lấp mặt bằng.
Dự án xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương liên quan đến đất đai, tài sản gần 1.000 hộ gia đình, nhưng còn khoảng 17ha của gần 30 hộ chưa hợp tác giải phóng mặt bằng. Dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất, nhưng các hộ này lại đề nghị phải thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thời gian vừa qua, chính quyền và các đoàn thể huyện Phú Bình đã tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, nhưng các hộ này chưa nhận thức đúng, vẫn đề nghị thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng là không đúng với quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo huyện Phú Bình cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục số hộ dân còn lại, nếu các hộ dân vẫn không đồng thuận sẽ thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng theo quy định.
Mặt khác, Dự án xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương còn bị chậm tiến độ là do việc thực hiện các thủ tục pháp lý như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt đánh giá tác động môi trường... mất nhiều thời gian, phải chờ hàng năm trời.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng Nguyễn Duy Luân cho biết: “Giải phóng mặt bằng không đúng tiến độ, giải quyết thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, cho nên việc đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương bị chậm, tới đây chúng tôi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh gia hạn thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư ban đầu là gần 800 tỷ đồng, nhưng tiến độ chậm nên tổng mức đầu tư sẽ đội lên hàng chục tỷ đồng vì giá vật tư, vật liệu, nguyên nhiên liệu, nhân công tăng”.
Việc đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm I đang bị chậm tiến độ. |
“Thiệt hại khác là mất cơ hội kinh doanh, bởi khi nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất để xây dựng nhà máy thì chưa có đất sạch cho thuê, nên họ đi thuê nơi khác, dẫn đến thu hút đầu tư của tỉnh cũng bị ảnh hưởng”, ông Luân chia sẻ thêm.
Trên địa bàn tỉnh, việc giải phóng mặt bằng Cụm Công nghiệp Tân Phú I, Tân Phú II, tổng diện tích 130ha ở thành phố Phổ Yên cũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc xây dựng hạ tầng để đón các nhà đầu tư thứ cấp cũng bị chậm.
Chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương đề nghị, chính quyền địa phương cần ráo riết tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn. Khi hạ tầng các cụm công nghiệp được hoàn thiện, việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sẽ thuận lợi, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.