Vận dụng quy định trái chiều nhau gây khó cho giải phóng mặt bằng

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình được giao đất sản xuất nông nghiệp của Trạm thực nghiệm Văn Giang thuộc Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thắc mắc việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua cánh đồng của Trạm thực nghiệm Văn Giang và đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên quan tâm, tháo gỡ vướng mắc để các hộ chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực đất nông nghiệp của công nhân Trạm thực nghiệm Văn Giang bàn giao cho dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.
Khu vực đất nông nghiệp của công nhân Trạm thực nghiệm Văn Giang bàn giao cho dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bà Mai Thị Chiến là công nhân đã về hưu của Trạm thực nghiệm Văn Giang cho biết: Sau khi nhận được các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, gia đình bà vui vẻ bàn giao đất cho dự án đường vành đai 4 để tìm việc khác sinh nhai. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, cán bộ huyện Khoái Châu thông tin cho gia đình bà Chiến biết: "khoản tiền hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề có khả năng bị thu hồi" do bà đã về hưu.

Trước sự việc này, bà Chiến đã gửi đơn đến huyện Khoái Châu phân trần: Tuy là công nhân nhưng thực chất bà là nông dân, bởi bà được giao khoán đất để sản xuất nông nghiệp từ lâu. Cả gia đình bà, bao gồm cả vợ chồng con trai út đều tham gia canh tác trên mảnh ruộng được giao khoán theo hình thức tự làm, hằng năm nộp tiền khoán cho Trạm thực nghiệm Văn Giang. Đây là nguồn thu nhập chính nên gia đình bà nhận được tiền hỗ trợ đào tạo nghề là hoàn toàn xứng đáng để chuyển sang nghề mới.

Tương tự là gia đình ông Nguyễn Văn Dương. Vợ ông Dương là nông dân thuần tuý, vẫn cùng ông Dương canh tác trên diện tích được giao khoán để lấy tiền trang trải cuộc sống, nên ông rất mong gia đình không bị thu hồi khoản tiền hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề (do ông Dương đã về hưu) để gia đình có điều kiện tìm việc làm mới.

Ông Đào Quang Cảnh, Phó trưởng Trạm thực nghiệm Văn Giang băn khoăn: Các hộ nhận đất ở của Trạm thực nghiệm Văn Giang trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu đã nhận được tiền bồi thường tài sản trên đất, hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề, nhưng 24 hộ thuộc Trạm thực nghiệm Văn Giang chưa nhận được thông tin gì về phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường vành đai 4.

Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu Lê Khánh Duy cho biết: Trạm thực nghiệm Văn Giang trước là Nông trường Thống Nhất Hưng Yên, sau đó đổi tên thành Trại chăn nuôi Thống Nhất và đến nay là Trạm thực nghiệm Văn Giang. Đây là mô hình đặc thù, không phải là nông trường, lâm trường quốc doanh, cũng không phải công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ nông, lâm trường quốc doanh.

Các hộ dân nhận giao khoán đất của Trạm đều là công nhân của Trạm, đang làm việc hoặc đã về hưu nhưng vẫn nhận đất khoán, trường hợp đã về hưu phải nộp "sản" cao hơn các trường hợp khác theo quy định của Trạm. Các công nhân của Trạm không được trả lương, không được hỗ trợ gì khi nhận đất giao khoán; không được xem xét, giao đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 03-NQ/TU.

Một số công nhân đã được hưởng chế độ về hưu thực chất là tiền các hộ tự đóng bảo hiểm xã hội từ nguồn thu sản xuất nông nghiệp trên diện tích được trạm giao khoán, thu sản hằng năm theo hình thức khoán trắng (không có hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp...). Các hộ nhận khoán đều là các hộ thuần nông trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nguồn thu từ diện tích khoán là nguồn thu chính nuôi sống các gia đình.

Xuất phát từ tình hình thực tế của các trường hợp nhận giao khoán ở Trạm thực nghiệm Văn Giang, căn cứ Điều 25, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân huyện Khoái Châu đã báo cáo, xin chủ trương được hỗ trợ cho các hộ như đối với các trường hợp thu hồi đất theo Nghị quyết số 03-NQ/TU.

Do đặc thù, huyện đã đề xuất tỉnh Hưng Yên cho phép các trường hợp nhận giao khoán được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, thực hiện cho cả hai huyện Khoái Châu và Văn Giang. Đề xuất này đã được tổng hợp, báo cáo lên tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 920-TB/TU ngày 30/12/2022 nhất trí hỗ trợ cho các trường hợp nhận giao khoán đất của Trạm.

Huyện Khoái Châu đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đợt 1 với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 6 tỷ đồng, đã chi trả tiền cho 17 hộ dân bị ảnh hưởng, các hộ đã nhận tiền và ký bàn giao mặt bằng; trong đó có ba trường hợp công nhân của Trạm đã về hưu là hộ ông Nguyễn Văn Dương và bà Đoàn Thị Hoàn; hộ bà Nguyễn Thị Dung; hộ ông Đỗ Hùng Sơn và bà Mai Thị Chiến.

Trước việc huyện Khoái Châu phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền cho những hộ dân bị thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Trạm thực nghiệm Văn Giang và báo cáo tỉnh Hưng Yên với nội dung "Việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp đối với các trường hợp đã nghỉ hưu là không phù hợp theo quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP, ngày 06/1/2017 của Chính phủ"... và đề xuất: Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm bằng tiền (bằng ba lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất) đối với các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán của Trạm thực nghiệm Văn Giang trước ngày 15/2/2017 (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp).

Trên cơ sở đặc thù của Trạm thực nghiệm Văn Giang, huyện Khoái Châu đã đề xuất cho các trường hợp nhận khoán của Trạm được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp như các trường hợp thu hồi đất theo Nghị quyết số 03, bao gồm cả ba trường hợp đã về hưu trên theo phương án đã được UBND huyện Khoái Châu phê duyệt và chi trả để bảo đảm ổn định đời sống cho các hộ công nhân đã về hưu của Trạm.

Công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua cánh đồng của Trạm thực nghiệm Văn Giang trên địa bàn huyện Văn Giang được UBND huyện Văn Giang ban hành thông báo thu hồi đất vào ngày 7/8/2023; từ ngày 14/8/2023 đến ngày 16/8/2023 các phòng, ban chức năng huyện Văn Giang đã kiểm kê hết toàn bộ đất và tài sản trên đất thuộc Trạm thực nghiệm Văn Giang với 30 thửa, diện tích khoảng 6,6 ha thuộc hai xã Liên Nghĩa và Tân Tiến.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Giang Nguyễn Quốc Chương cho biết: Việc thu hồi đất nông nghiệp của Trạm thực nghiệm Văn Giang là thu hồi đất của tổ chức, cụ thể là Viện Di truyền nông nghiệp nên huyện Văn Giang chỉ làm việc với Viện Di truyền nông nghiệp và cán bộ Trạm. Theo tài liệu của Viện Di truyền nông nghiệp để lại thì không có chủ trương giao khoán đất nông, lâm trường cho các hộ gia đình.

Để có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ, huyện Văn Giang tiếp tục đề nghị Viện Di truyền cung cấp tài liệu làm rõ trước ngày 31/8/2023. Tuy nhiên đến hết ngày 31/8/2023, các đơn vị không cung cấp được các tài liệu theo quy định, vì vậy Ban Quản lý dự án huyện Văn Giang đang lập dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ công khai đối với đất đai, tài sản trên đất thuộc Viện Di truyền nông nghiệp theo quy định,...

Như vậy, việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã áp những quan điểm khác nhau, cách vận dụng quy định của pháp luật trái chiều nhau, đã khiến người dân băn khoăn, thắc mắc,...