Đồng Tháp nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là sự phù hợp với xu hướng tất yếu trong sản xuất. Gần đây, tại tỉnh Đồng Tháp đã triển khai, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Trần Ngọc Ẩn kiểm tra chất lượng trái xoài cát Hòa Lộc sắp thu hoạch.
Nông dân Trần Ngọc Ẩn kiểm tra chất lượng trái xoài cát Hòa Lộc sắp thu hoạch.

Hiện ở xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh có cả trăm nhà vườn trồng xoài theo hướng hữu cơ, từ khi thấy hiệu quả của gia đình nông dân Trần Ngọc Ẩn.

Tiên phong bảo vệ môi trường

Dẫn chúng tôi ra tham quan mảnh vườn 10 công xoài được trồng cách nay 4 năm đang cho trái sắp thu hoạch, anh Ẩn cho biết, cái vui lớn nhất của anh là từ mảnh vườn này đã cho lợi nhuận cao nhờ sản xuất hữu cơ. Làm nông nghiệp hữu cơ, mỗi ký xoài cát Hòa Lộc lợi được 1.000 đồng so với dùng phân, thuốc hóa học. Thí dụ để thu hoạch được 1kg xoài, chi phí bỏ ra 11.000 đồng, còn nếu trồng theo hướng hữu cơ, chi phí là 10.000 đồng. Hiện gia đình anh trồng xoài rải vụ để mỗi năm bán được nhiều vụ, nhờ đó mà trừ chi phí, thu lợi nhuận được khoảng 400 triệu đồng.

Nhiều người dân ở Đồng Tháp biết đến nông dân Trần Ngọc Ẩn không chỉ là người trồng xoài giỏi theo hướng hữu cơ. Với vai trò Chủ nhiệm Tân An Hội quán (tọa lạc xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh), anh cũng chính là người tiên phong, hướng dẫn làm nông nghiệp theo hướng này. Đến nay, hội quán đã có hơn 100 thành viên ngụ trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, hoạt động chủ yếu là nông nghiệp chuyên về cây ăn trái, cây kiểng và hoa màu. Mỗi thành viên có từ hai đến 30 công đất, phần nhiều là trồng xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan.

Ngồi với chúng tôi bên tách trà vào một buổi chiều đầu tháng 6 ngay trên mảnh vườn nhà mình, anh Ẩn tâm sự: “Bước vào tháng này rồi mà trời vẫn nắng gắt quá. Cũng nhờ tôi trồng xoài theo hướng hữu cơ, nên tuy khí hậu có thay đổi so với trước đây nhưng cây xoài vẫn phát triển khỏe, cho trái đạt chất lượng”. Anh Ẩn cũng khẳng định làm nông nghiệp hữu cơ gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu là đường đi bền vững nhất của nông nghiệp ở vùng châu thổ sông Cửu Long.

Đất mà sử dụng nhiều phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì sẽ ảnh hưởng rất lớn cho môi trường. Phân hóa học cũng làm cho đất bạc màu, khiến rễ khó hấp thu thì phải bón phân nhiều hơn nữa. Cuối cùng, chi phí đầu vào cao, đầu ra bấp bênh. Do đó, phải sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học, không vắt kiệt sức đất nữa, không đưa những chất độc hại xuống để làm đất bị bạc màu, phải làm mọi cách để đất đẹp lên” - Chủ nhiệm Tân An Hội quán Trần Ngọc Ẩn chia sẻ.

Ngày càng lan tỏa

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp triển khai định hướng nông dân dần chuyển đổi sang hình thức sản xuất theo hướng hữu cơ với với diện tích hơn 200ha vào năm 2030 trên các loại cây trồng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Văn Dũng cho biết, hằng năm, Trung tâm lựa chọn những dòng sản phẩm tốt xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện quy trình để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; từ đó dần dần thay đổi nhận thức người nông dân chuyển sang sản xuất hữu cơ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch về việc phát động phong trào thi đua chuyên đề “Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông sản sạch gắn liên kết tiêu thụ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Qua đó, nhiều mô hình đã được triển khai và đạt được một số kết quả khả quan.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) với quy mô 10ha/8 hộ. Các hộ dân tham gia được tập huấn kỹ thuật sản xuất và chăm sóc cây lúa hữu cơ; được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp gồm phân bón, chế phẩm sinh học… Sau khi thu hoạch, tiến hành thu lại lượng rơm trên đồng để sản xuất nấm rơm; phần rơm, rạ còn lại được xử lý bằng chế phẩm Trichoderma spp để phân hủy nhanh, trả lại dinh dưỡng cho đất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Rơm sau khi sản xuất nấm được tái sử dụng để làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ truyền thống, sau đó bón trở lại cho lúa hoặc hoa màu, cây ăn trái.

Một cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao như giảm được phân hóa học 40%, giảm chi phí sản xuất (phân hóa học và hữu cơ), tăng giá trị của rơm, rạ và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, còn có mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ gắn với liên kết tiêu thụ. Đây là mô hình kết hợp lúa, cá, vịt được thực hiện với quy mô 20ha với 8 hộ tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông; giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn những hạn chế trong việc phát triển mô hình hữu cơ, như nguồn nhân lực đã qua đào tạo, am hiểu để trực tiếp tham gia chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân còn thiếu. Các mô hình hữu cơ chỉ sử dụng phân hữu cơ, chủ yếu quản lý dịch hại bằng các biện pháp thủ công, sinh học tốn nhiều công lao động, dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch về Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt hơn 1,5% (khoảng 3.298ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, tỉnh triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành về nông nghiệp hữu cơ; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này.