Động lực mới cho sự tăng trưởng

Cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước). Đây là tuyến đường cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Quốc lộ 14 đoạn qua thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Quốc lộ 14 đoạn qua thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng…, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đường cao tốc bắc-nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) chạy song song với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) có điểm đầu là nút giao đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1915+900 (thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) và điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa (thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).

Tổng chiều dài tuyến cao tốc này khoảng 128,8 km; trong đó, đoạn qua địa phận Bình Phước khoảng 101 km, đoạn qua địa phận Đắk Nông 27,8 km; chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8 km, chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa khoảng 2 km. Dự án có quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch sáu làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động. Dự kiến về tiến độ: Giai đoạn chuẩn bị dự án năm 2023-2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024-2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Việc triển khai dự án là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép-Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, Bình Phước là địa phương nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, giữ vai trò chiến lược, quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và đường biên giới với Campuchia. Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hành động quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, tỉnh Bình Phước phát triển nhanh, đạt nhiều kết quả đáng mừng. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng.

Khi đoạn đường cao tốc Gia Nghĩa hoàn thành sẽ cùng với hệ thống giao thông liên vùng hiện có, kết hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp Bình Phước có một không gian phát triển mới, một động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ngang tầm với sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.