Coi trọng vấn đề an toàn, vệ sinh trong lao động

Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên đã thu hút một lực lượng lao động lớn về làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động cần tìm hiểu và trang bị các kiến thức về an toàn lao động để bảo đảm an toàn tại môi trường làm việc.
Người lao động cần tìm hiểu và trang bị các kiến thức về an toàn lao động để bảo đảm an toàn tại môi trường làm việc.

Trong bối cảnh đó, môi trường làm việc luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra tai nạn với người lao động. Thực tế này cũng là vấn đề mà nhiều địa phương trong cả nước đang phải nỗ lực khắc phục.

Tại tỉnh Đồng Nai, trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Công ty gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) khiến sáu người chết, sáu người bị thương nặng.

Theo thống kê, năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 910 vụ tai nạn lao động làm 930 người bị tai nạn, trong đó có 28 người chết, 211 người bị thương nặng. Chỉ tính riêng trong gần 5 tháng đầu năm 2024, địa phương này đã ghi nhận có đến 12 người chết vì tai nạn lao động.

Đồng Nai là nơi tập trung các khu công nghiệp hàng đầu của cả nước, nên vấn đề tai nạn, vệ sinh an toàn lao động càng là vấn đề nhức nhối của tỉnh.

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, theo thống kê, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 966 vụ tai nạn lao động, làm chết 28 người và 128 người bị thương nặng; năm 2022, xảy ra 599 vụ tai nạn lao động, trong đó có 36 vụ nghiêm trọng làm chết 39 người.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có lực lượng lao động thuộc tốp đầu của cả nước với khoảng 4,6 triệu người, tai nạn lao động luôn là vấn đề được người lao động quan tâm.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, thành phố xảy ra 703 vụ tai nạn lao động (giảm 12,45% so với năm 2022); trong đó, 44 vụ tai nạn lao động có người chết (giảm 45%), làm 44 người chết (giảm 42,8%) và 98 người bị thương nặng (giảm 39,5%).

Tại khu vực phi chính thức, số liệu thống kê cho thấy, có 13 vụ tai nạn lao động xảy ra làm 14 người tử vong. Riêng từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/3/2024, thành phố đã xảy ra 10 vụ tai nạn lao động, làm chết 12 người.

Qua thống kê, đánh giá cho thấy, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là lĩnh vực xây dựng. Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2023, thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Một số nguyên nhân được chỉ ra là: Người sử dụng lao động không có thiết bị an toàn, hoặc thiết bị không bảo đảm; chưa huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ; không có quy định an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn;...

Năm 2024, các địa phương vừa đồng loạt tổ chức hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với rất nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm phải giảm 4% số vụ tai nạn lao động gây chết người; 100% số vụ tai nạn lao động chết người phải được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan chức năng sẽ tập trung rà soát các cơ sở gia công, chế biến có sử dụng lò hơi; tổ chức các đoàn thanh tra về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở tiềm ẩn về cháy, nổ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức, hành động để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc,…

Để giảm thiểu tai nạn, vệ sinh an toàn lao động, các cơ quan chức năng cần chủ động kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, nhất là trong các công việc có tiềm ẩn rủi ro cao, đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các chủ cơ sở vi phạm, coi thường vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động. Tai nạn lao động xảy ra dù ở mức độ nào cũng đều để lại những hệ lụy rất lớn cho gia đình nạn nhân và xã hội. Thế nên, yếu tố phòng ngừa, chủ động kiểm soát vẫn là quan trọng nhất để người lao động luôn yên tâm trong các môi trường làm việc của mình; qua đó, góp phần vào sự bình yên, an toàn của toàn xã hội.