Khi người dân đồng thuận hiến đất mở hẻm, làm đường

Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhất là tại các đô thị lớn, đắt đỏ như Thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng nhiều người, ít thì vài ba mét, nhiều thì cả trăm mét, thậm chí cả nghìn mét vuông đã không ngần ngại hiến đất cho Nhà nước để không gian đô thị, giao thông đi lại thông thoáng, mỹ quan hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân thi công mở rộng hẻm 549, đường Nguyễn Đình Chiểu (Phường 2, Quận 3) sau khi người dân hiến đất.
Công nhân thi công mở rộng hẻm 549, đường Nguyễn Đình Chiểu (Phường 2, Quận 3) sau khi người dân hiến đất.

Ngày hội hiến đất, mở rộng hẻm vừa được tổ chức đồng loạt tại 20 hẻm trên địa bàn Quận 3. Đúng tính chất của một ngày hội, cả người dân lẫn lãnh đạo quận, phường đều rất phấn khởi bởi chỉ sau một thời gian ngắn nữa, những đoạn hẻm xuống cấp, nhỏ hẹp sẽ trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Đó là điều mà ai nấy đều rất mong chờ. Phong trào hiến đất mở hẻm, làm đường là chủ trương lớn được Quận 3 đặc biệt quan tâm, thực hiện trong nhiều năm qua và đã đạt những kết quả cụ thể.

Tuyến hẻm 549 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 2 dài hơn 220m nối đường Nguyễn Đình Chiểu với hẻm 16 ra đường Nguyễn Thiện Thuật. Từ nhiều năm nay, diện tích hẻm chỉ đạt từ 2,8-3,5m, toàn tuyến tuy được trải bê-tông nhưng đã xuống cấp khiến việc lưu thông của người dân tại đây gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, hệ thống thoát nước của hẻm đã cũ, mỗi khi mưa to nguy cơ ngập cục bộ.

Lãnh đạo Phường 2 cho biết: Qua các buổi tuyên truyền vận động về những lợi ích của việc mở rộng và nâng cấp tuyến hẻm, đến nay đã có 105 trong tổng số 108 hộ dân đồng ý hiến đất mở rộng hẻm này lên 5m. Ba hộ dân còn lại cũng đã đồng ý chủ trương nhưng sẽ tham gia ở giai đoạn sau do kết cấu nhà nặng và ảnh hưởng đến các căn nhà khác liền kề.

Tương tự, tại các tuyến hẻm 404, 416, 416/9 đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc Phường 4, Quận 3, do hẻm nhỏ, lưu thông khó khăn cho nên nhiều hộ dân đã có nhu cầu mở rộng hẻm từ lâu. Các hẻm này sẽ được trải bê-tông mặt đường, làm mới cống thoát nước, lắp đặt ống viễn thông và trụ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy. Sau các buổi làm việc, chính quyền và nhân dân tại đây đã tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện mở rộng các tuyến hẻm này.

Dù nằm ở khu vực trung tâm thành phố, nơi giá đất cao, song từ năm 2015 đến nay, người dân Quận 3 đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở hẻm. Cụ thể, có 1.425 hộ dân hiến 8.053 m2 đất để mở rộng hẻm. Giai đoạn 2020-2025, Quận 3 đề ra chỉ tiêu thực hiện vận động người dân hiến đất mở rộng 45 hẻm, kết hợp ngầm hóa hệ thống điện, dây thông tin và lắp đặt trụ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phong trào hiến đất mở hẻm, làm đường giao thông, công trình công cộng được thực hiện từ khoảng 20 năm nay. Theo thống kê, đến nay, thành phố có hơn 168.000 hộ dân hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng nhằm phục vụ cho hơn 5.230 công trình. Ngoài hiến đất, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng.

Ở quy mô địa lý rộng lớn hơn, khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh lân cận có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,... nhiều năm trở lại đây, phong trào vận động hiến đất làm đường nông thôn cũng được các ngành, các cấp thực hiện. Nhiều người dân ở nông thôn, thành thị đã không tiếc hàng trăm mét vuông đất của gia đình hiến cho cộng đồng, xã hội để xây dựng các công trình dân sinh, đường giao thông,...

Hầu hết, người dân đã tham gia hiến đất đều có một suy nghĩ, đã hiến thì không tiếc, bởi mỗi phần đất trao đi sau đó đều được địa phương sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ cho cộng đồng, thay đổi bộ mặt đô thị, dân cư tại khu vực đó. Qua các phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, mở đường cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn và thiết thực không chỉ tác động lớn đến đời sống của nhân dân mà sẽ là động lực mới để các địa phương triển khai các hoạt động, công tác khác.

Để công tác này tiếp tục đạt được những hiệu quả trong thời gian tới, các ngành, các cấp tại các địa phương trong quá trình thực hiện cần bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân; trong đó, tính đến phương án, cơ chế hỗ trợ, bù đắp thiệt hại cho người dân. Sau chỉnh trang, nâng cấp các tuyến hẻm, tuyến đường, các cơ quan chức năng cần có phương án quản lý tốt để tránh bị lấn chiếm gây mất mỹ quan, an ninh trật tự. Quá trình thực hiện cho thấy, công tác dân vận của các ngành, các cấp là rất quan trọng, dân vận đúng cách, hài hòa hợp lòng dân thì việc nào cũng thuận lợi, đạt được hiệu quả cao nhất.