Đào tạo nguồn nhân lực bám sát yêu cầu thực tiễn

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao, không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển cho địa phương này, mà còn cho vùng Ðông Nam Bộ và cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng, việc đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng với xu thế phát triển của toàn cầu hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ðào tạo nguồn nhân lực tự động hóa tại Trung tâm Ðào tạo Khu Công nghệ cao, đơn vị trực thuộc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðào tạo nguồn nhân lực tự động hóa tại Trung tâm Ðào tạo Khu Công nghệ cao, đơn vị trực thuộc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo nghề có uy tín. Theo số liệu thống kê gần đây, thành phố có hơn 60 trường đại học (trong số này có 10 trường đại học có hai cơ sở trên địa bàn thành phố), gần 60 trường cao đẳng và 64 trường trung cấp nghề, khoảng 90 trung tâm đào tạo nghề.

Các trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề như: kỹ thuật, tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp luật…, đây là lực lượng lao động được đào tạo tiềm năng mà Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía nam có thể thu hút để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu về chất lượng thì nhiều trường, cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được thực tiễn, chưa cải tiến chương trình đào tạo, cơ sở vật chất (mặt bằng, thư viện, xưởng, phòng thí nghiệm…) còn nghèo nàn.

Cụ thể, việc thay đổi các chương trình đào tạo để đáp ứng các kiến thức nền về cách mạng công nghiệp 4.0 như đào tạo công nghệ thông tin và dữ liệu lớn…; tăng đầu tư phòng máy tính, các trung tâm nguồn mở, phòng thí nghiệm tiên tiến… còn khá khiêm tốn.

Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ có những thay đổi cơ bản để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo định hướng phát triển, các địa phương trong vùng, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, phát triển mạnh về kinh tế số, các ngành công nghiệp mũi nhọn dựa trên nền tảng công nghệ cao, điện toán hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, tự động hóa...

Do đó, dự báo nhu cầu nhân lực cho vùng Ðông Nam Bộ trong thời gian tới tập trung ở các nhóm ngành: Công nghệ tự động hóa cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô-tô, chế tạo vật liệu; kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh; nhân lực kỹ thuật cao trong ngành sản xuất, công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa, rô-bốt, thiết kế vi mạch, công nghệ thông tin...

Những vấn đề đặt ra trong phát triển và đào tạo nguồn nhân lực hiện nay cho vùng Ðông Nam Bộ là phải khắc phục được các bất cập cơ bản, đó là: thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao; lực lượng lao động được đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; hệ thống giáo dục-đào tạo thiếu sự cập nhật và đổi mới.

Cho nên, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bền vững, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, các địa phương trong vùng Ðông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp xu hướng của toàn cầu. Trong đó, cần chú trọng những thay đổi của nền kinh tế số, thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở này đề xuất các dự báo mang tính định hướng và đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn mới.