Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tiêu biểu đại diện cho 1,4 triệu đoàn viên, người lao động trong chương trình “Cảm ơn người lao động”. Thành phố xem đây là dịp để người lao động bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo thành phố để xây dựng thêm các chế độ, chính sách liên quan đến việc làm, đời sống của công nhân, viên chức, lao động; đề xuất, tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời tôn vinh những giá trị đóng góp tích cực của lực lượng cán bộ, đoàn viên, người lao động trong quá trình phát triển của thành phố, đất nước.
Tại tỉnh Bình Dương, với đặc thù của tỉnh công nghiệp, địa phương này luôn xem người dân, công nhân lao động là chủ thể, trung tâm trong định hướng phát triển của tỉnh. Thời gian qua, nhiều chương trình, kế hoạch về tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động đã được triển khai hiệu quả. Bình Dương hiện có gần 1,3 triệu công nhân lao động. Những năm qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, cùng các chính sách của tỉnh liên quan đến công nhân, người lao động.
Còn tại Ðồng Nai hiện có hơn 1,7 triệu công nhân, người lao động, là một trong các địa phương dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên đã tạo nhiều việc làm có thu nhập tương đối cao và ổn định cho người lao động. Lực lượng lao động cũng đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển địa phương. Tuy nhiên, với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, tình hình công nhân, người lao động cũng gặp những khó khăn nhất định, trong đó có tình trạng công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm.
Thời gian qua, các địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành cùng công nhân, người lao động để ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Trong vùng Ðông Nam Bộ, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao và được xếp vào tỷ lệ “dân số vàng”. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân là 2,7%/năm, cao nhất cả nước (cao hơn tốc độ tăng của cả nước là 1,8%).
Do đó, công tác chăm lo cho công nhân, người lao động càng quan trọng hơn bao giờ hết. Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan vấn đề nhà ở để công nhân, người lao động sớm tiếp cận với nguồn nhà ở với mức giá hợp lý. Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương trong vùng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ con em công nhân lao động đến trường; chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, vị thành niên; chăm sóc sức khỏe cho người lao động, an toàn thực phẩm, chương trình bình ổn thị trường, chương trình hỗ trợ người lao động; hình thành những nếp sống mới, văn minh, hiện đại nghĩa tình…
Cùng với đó, những kiến nghị, đề xuất trực tiếp của công nhân, người lao động như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nhà nước; tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp các thông tin, quy định có liên quan trong và ngoài nước để doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường thi tay nghề;… cần được các địa phương quan tâm sâu sát hơn nữa. Ðiều này không chỉ tạo điều kiện, môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp, người lao động mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình phát triển cho địa phương.