Hướng đến mục tiêu phát triển xanh

Phát triển bền vững gắn liền với kinh tế tuần hoàn là xu hướng toàn cầu, chính vì thế, việc thực hành bộ tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị) đang được các doanh nghiệp hướng tới áp dụng, bởi đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ sử dụng điện mặt trời áp mái Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Nhờ sử dụng điện mặt trời áp mái Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường mà còn đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới để mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhìn từ bối cảnh thế giới có thể thấy, sau khủng hoảng toàn cầu về khí hậu, ô nhiễm môi trường, hàng loạt các quốc gia đã đưa ra luật chơi mới nhằm phát triển bền vững trong thương mại và đầu tư. Theo đó, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng ra đời, trong đó bao gồm yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững, phát triển xanh.

Vừa qua, Việt Nam có những cam kết và đề xuất nhiều phương án, giải pháp nhằm thực thi chiến dịch chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững. Thành phố Hồ Chí Minh đang tận dụng tối đa những cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Cụ thể, Nghị quyết 98

cho phép thành phố được chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm kết nối thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; được ưu tiên bố trí nguồn lực để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ tái chế, tái sử dụng trong sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, dịch vụ xanh, du lịch bền vững... Những cơ chế, chính sách này là cơ sở để thành phố tạo đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh; đồng thời, giúp thành phố tận dụng cơ hội, giảm thách thức, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh, bền vững. Để thực hành ESG, doanh nghiệp cần có lộ trình và sự đầu tư nghiêm túc ở từng tiêu chuẩn: E-Môi trường, S-Xã hội và G-Quản trị; trong đó, cần đặc biệt quan tâm yếu tố quản trị, bởi quản trị tốt sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, xã hội.

Thực tế cho thấy, rủi ro trong ESG hiện nay là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt khi bước vào thực hành tiêu chuẩn này. Để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, chính quyền và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, quy định nhằm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đầu tư các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải các-bon. Hành trình tiến tới giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chuẩn ESG thường mất nhiều thời gian, cho nên, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần có lộ trình phù hợp để tiếp cận tiêu chuẩn ESG một cách khoa học, có hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển ■