Đổi thay những vùng đất “khó”

NDO-Những năm qua, ngoài những chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh Bình Phước đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách… để ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là chương trình đặc thù giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và làm 1.000km đường giao thông nông thôn mỗi năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các địa phương trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của người dân xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của người dân xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ đó, bức tranh kinh tế vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi ở Bình Phước đã có nhiều khởi sắc; trình độ dân trí được nâng cao; y tế chăm sóc tốt cho sức khỏe người dân.

Nỗ lực vượt khó

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, cho biết, từ thực tiễn lãnh đạo địa phương cho thấy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ sản xuất lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; kỹ năng lao động của đồng bào còn thấp, khiến cho cơ hội việc làm hạn chế và thu nhập chưa được cải thiện.

Kết quả rà soát chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ, năm 2022 trên địa bàn tỉnh còn 4.872 hộ nghèo, chiếm 1,76% trên tổng số hộ dân cả tỉnh. Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 2.830 hộ, chiếm trên 58% trên tổng số hộ nghèo tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, hiện nay trung bình khoảng trên 25 triệu đồng/người/năm, bằng 1/3 so mức bình quân chung của tỉnh.

Đổi thay những vùng đất “khó” ảnh 1

Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng được quan tâm phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.

Xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu, tình hình thực tế của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước thống nhất triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên tinh thần đó, Bình Phước tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên trì và nhất quán thực hiện công tác dân tộc là phải bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện, cần xác định đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, các cấp, các ngành ưu tiên nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của cộng đồng và người dân.

Đổi thay những vùng đất “khó” ảnh 2

Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) được đầu tư xứng tầm để phát triển du lịch cộng đồng.

Hạ tầng đi trước một bước

Để rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi, Bình Phước ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng; phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã. Nhờ đó toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài là 9.110km, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Triển khai thực hiện đề án kết nối vùng nhằm bảo đảm tính đồng bộ kết nối giữa các vùng và khu vực, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước triển khai 34 dự án, trong đó ưu tiên 1 là 20 dự án; ưu tiên 2 là 7 dự án; ưu tiên 3 là 7 dự án.

Một số dự án trọng điểm đang triển khai thi công như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu Hoa Lư; Dự án xây dựng đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành-Hoa Lư; Dự án nâng cấp ĐT 756 (kết nối thị xã Chơn Thành với huyện biên giới Lộc Ninh và Bù Đốp). Ngoài ra, một số dự án trọng điểm đang hoàn thiện thủ tục như: Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đi qua các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tạo sự liên thông trong toàn tỉnh. Nhờ đó, lưu thông từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh (điểm xa nhất khoảng 170km) chỉ hơn 2 giờ đồng hồ.

Đổi thay những vùng đất “khó” ảnh 3

Nghề dệt thổ cẩm là sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc M’nông (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng).

Song song với đó, Bình Phước cũng ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhờ đó tỉnh đã đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng thông rộng cố định, truyền hình số mặt đất, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, tỉnh có đường biên giới với Campuchia dài hơn 258km, trong đó phần lớn là đường sông và rừng núi. Dọc biên giới Bình Phước có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cho nên việc phủ sóng di động để đáp ứng nhu cầu liên lạc và tiếp cận thông tin cho người dân là rất cần thiết.

Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước đã kết hợp với nhà mạng thực hiện chương trình phủ sóng biên giới. Đến nay, dọc tuyến đường tuần tra biên giới đã xây dựng 54 trạm phát sóng thông tin di động. Mạng lưới bưu chính công cộng rộng khắp, bảo đảm mỗi xã có 1 điểm phục vụ.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã rất quan tâm cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, như: y tế, giáo dục, thể dục thể thao… Một số công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc gia, góp phần tạo diện mạo mới cho Bình Phước.

Đã có sự chuyển biến rõ nét

Bù Đăng là huyện miền núi, tiếp giáp với các huyện: Tuy Đức, Đăk R’Lấp (Đắk Nông), huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), huyện Tân Phú (Đồng Nai). Đây là huyện có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh Bình Phước, là cầu nối giữa Tây nguyên và Đông Nam bộ. Bù Đăng cũng là huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống với 23 dân tộc anh em, chiếm gần 40% dân số toàn huyện.

Trong những năm qua, huyện đã triển khai các Chương trình 135, 134, 1592, 193, 33 và các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ cùng với nhiều chương trình dự án của tỉnh, như: chương trình “Giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số”; xây dựng đường bê tông xi măng theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”…

Đổi thay những vùng đất “khó” ảnh 4

Đưa sóng di động đến tuyến biên giới Bình Phước giúp chất lượng cuộc sống của người dân vùng biên được cải thiện.

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của huyện Bù Đăng không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi nhiều thay đổi tích cực. Song song với đó, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản đã được giải quyết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, được hỗ trợ cây, con giống, nông cụ hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập giúp ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình chị Chung Thị Nhâm ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Nhâm cho biết, trước đây gia đình thuộc diện khó khăn nhất, nhì trong thôn do không có đất sản xuất và không việc làm ổn định. Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi bò. Từ 2 con bò ban đầu dần phát triển lên 6 con. Năm 2022, thu nhập từ nuôi bò và tiền công làm thuê của hai vợ chồng, gia đình chị Nhâm mua thêm mảnh đất trị giá gần 100 triệu đồng và chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp các gia đình thoát nghèo mà còn hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Gia đình ông Lương Văn Phòng ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng huyện Bù Đăng để chuyển đổi 0,5ha điều già cỗi sang trồng sầu riêng. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân kịp thời vụ nên vườn sầu riêng hơn 2 năm tuổi của gia đình ông phát triển tốt.

Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương cho biết, phát triển vùng dân tộc dân tộc thiểu số, miền núi có những khó khăn, phức tạp và đặc thù riêng nên trong công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc, miền núi; phải hiểu sâu sắc đặc điểm văn hóa của từng dân tộc, từng cộng đồng; phải kiên trì, sâu sát cơ sở... qua đó đề ra các giải pháp phù hợp. Nhờ đó từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã xóa được được 1.118 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Nhờ thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo, trong 4 năm qua (2019-2022), Bình Phước đã giúp 5.198 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Năm 2023, Bình Phước tiếp tục phấn đấu giảm tối thiểu 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, trong đó tỉnh đề ra giải pháp: giải quyết đất ở cho 48 hộ, nhà ở cho 629 hộ (xây dựng mới đối với 431 hộ và sửa chữa nhà cho 198 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.300 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.310 hộ...

Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, thực hiện lồng ghép các chương trình, nguồn vốn cũng như huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân… đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực có đông đồng bào sinh sống cũng như miền núi ở Bình Phước. Song song với đó, Bình Phước ưu tiên đầu tư và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh đào tạo lao động, giải quyết việc làm; hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin... đã tạo động lực, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.