Bình Phước là tỉnh miền núi có 41 thành phần dân tộc với 58 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 15 xã biên giới. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 19,67% dân số của tỉnh, sống tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh.
Trước đây, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, do đó việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng ở nhiều nơi chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Mặt khác, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhiều nơi còn hình thức; giải quyết những bức xúc trong đồng bào còn chậm, chưa thỏa đáng.
Bên cạnh đó, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh. Những nguyên nhân trên một phần xuất phát từ hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; một số hiện tượng tôn giáo mới, cực đoan xâm nhập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và diễn biến ngày càng phức tạp; đội ngũ cán bộ người đồng bào dân tộc còn thiếu và yếu.
Thực hiện quan điểm của Đảng, nhất là Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc ở Bình Phước nhiều năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quan tâm triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước cũng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trao bò giống, hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình. |
Cùng với đó, các địa phương cũng cử cán bộ bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc. Từ đó nhận thức của người dân được nâng lên, cuộc sống của người nghèo được tiếp cận gần hơn với các nhu cầu thiết yếu, các dịch vụ xã hội ngày càng đầy đủ và chất lượng hơn.
Song song với đó, tỉnh Bình Phước cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, trình độ dân trí bằng cách đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Mạng lưới trường, lớp ở Bình Phước được quy hoạch, phát triển đều khắp đến các vùng miền núi, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và tăng lên qua các năm.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước Lý Thành Tâm, để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, các trường chuyên biệt, Bình Phước đã có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. Mặt khác, tỉnh cũng đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số, hàng năm giảng dạy cho 2.500 học sinh.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng củng cố và phát triển. Đến nay tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 85,60%; tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 58,56%; tỷ lệ trạm xá có hộ sinh hoặc y sỹ sinh sản đạt 100%; số bác sỹ/vạn dân là 8,6 bác sỹ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; số giường bệnh/vạn dân đạt 28,5 giường.
Đầu tư phát triển giao thông, rút ngắn khoảng cách vùng dân tộc thiểu số sinh sống với các trung tâm của tỉnh Bình Phước. |
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước Lê Thị Xuân Trang, cho biết, trong nhiều năm qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từng bước được đổi mới trên tinh thần hướng về cơ sở, gần dân, nắm bắt và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân; quan tâm, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Thông qua đó đã quy tụ và tập hợp đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức, góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động xây dựng được hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số, tổng trị giá 160 tỷ đồng.
Thực tiễn cho thấy, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải kiên định, kiên trì thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đồng thời cần tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo bền vững. Qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo nhờ được hỗ trợ cây, con giống và nông cụ. |