Bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thật sự hiệu quả, tránh lãng phí

NDO - Đánh giá cao việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn cũng có rất nhiều điểm sáng, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất phải có giải pháp kịp thời giải quyết căn cơ những vướng mắc, cũng như để phát huy tối đa nguồn lực, tránh lãng phí trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều điểm nhấn quan trọng làm thay đổi đời sống nhân dân

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đánh giá, thời gian qua, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tuy còn chậm so với tiến độ nhưng đã tạo điểm nhấn rất quan trọng, giúp đời sống của bà con nhân dân có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều những điểm sáng.

Bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thật sự hiệu quả, tránh lãng phí ảnh 1

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những điểm nhấn trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của những nghị quyết do Quốc hội đưa ra. Đến thời điểm này, có những mục tiêu đã phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng chỉ rõ, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đã xuất hiện những khó khăn về nguồn lực, con người. Đội ngũ cán bộ triển khai các dự án trong thời gian qua từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế, còn yếu về năng lực, kinh nghiệm.

Đại biểu chỉ rõ, một vấn đề mà hiện nay các tỉnh đang rất quan tâm đó là việc giải ngân các nguồn vốn chậm. Đặc biệt, đối với những tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc thực hiện đối ứng nguồn lực để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng là điểm nghẽn.

Đây là nguyên nhân căn cơ dẫn đến việc tổ chức triển khai dự án còn chậm và hiện nay, còn nhiều dự án, tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt 10%.

Theo đại biểu, những kết quả đó cũng là kênh rất quan trọng để giúp cho Quốc hội có sự đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trên cơ sở những yếu tố trên, Quốc hội sẽ đồng hành với Chính phủ để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án và giải quyết được căn cơ những vướng mắc, khó khăn để mục tiêu cuối cùng là phát huy tối đa nguồn lực, tránh lãng phí.

Đề xuất hỗ trợ quỹ đất, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thật sự hiệu quả, tránh lãng phí ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Đánh giá sau gần 2 năm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp nối chương trình của giai đoạn trước đã tạo cơ sở, tiền đề thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo, giúp bộ mặt nông thôn có sự thay đổi đáng kể, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, đối với hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách còn vướng mắc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sẽ khó triển khai, bởi chính sách không đi vào cuộc sống, không thể hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình đề ra, đơn cử như chương trình hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học.

Theo đại biểu, việc giải quyết sinh kế cho đồng bào liên quan hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp thì có những vùng chúng ta có thể hỗ trợ được vì có quỹ đất ở, đất sản xuất nhưng không phải đất nào chúng ta cũng đưa vào sản xuất được như các vùng núi đá.

“Vì vậy, song song với giải pháp hỗ trợ đất sản xuất cho bà con, tôi nghĩ rằng cũng phải nghiên cứu thêm. Với mỗi một địa phương có những đặc điểm vùng miền riêng, cần phải khảo sát thật kỹ để làm sao ban hành chính sách cho hợp lý”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu kiến nghị.

Bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thật sự hiệu quả, tránh lãng phí ảnh 4

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đánh giá, tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đồng đều, có nội dung thành phần như hỗ trợ đất sản xuất chưa đạt được kết quả như mong muốn, trong đó một số địa phương không có quỹ đất, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất...

Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, giống như nhiều địa phương triển khai Chương trình, tại Quảng Bình cũng đang gặp vướng mắc trong hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo.

Đối với phân bổ nguồn vốn, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng cần tiến hành phân bổ sớm, nhất là vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cần xem xét phân bổ nguồn vốn cụ thể đối với từng địa phương, bởi không phải địa phương nào cũng có đủ nguồn vốn đối ứng thực hiện chương trình như quy định của Trung ương.

Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra; quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở đang gặp nhiều khó khăn về trình độ, năng lực, địa bàn hoạt động rộng, thiếu nhân lực, phương tiện truyền thông còn hạn chế, trong khi năng lực tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số cũng có hạn.

Ngoài ra, cần có cơ chế huy động và đãi ngộ đối với lực lượng ở thôn bản như già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia cùng với cán bộ chuyên trách tổ chức tuyên truyền chính sách tới từng hộ dân.