Từ trung tâm thành phố Bến Tre đi theo Quốc lộ 57C khoảng 5 km, rẽ trái chừng vài trăm mét là đến đình Phú Tự, nơi có cây bạch mai quý hiếm. Những ngày đầu xuân, không gian ở đây thoang thoảng hương thơm hoa bạch mai khi vào mùa nở rộ.
Nhìn từ xa, cây bạch mai này chẳng giống mai vàng, mai trắng vì lá khá to giống lá cây mù u; hoa và nụ mọc ra từ thân không kết thành quả. Một số người đã thử cách ghép, chiết nhánh cũng không thành công, vì vậy, cả tỉnh Bến Tre chỉ có duy nhất cây bạch mai cổ thụ này.
Đình Phú Tự thờ Thành hoàng bổn cảnh, được vua Khải Định ban sắc phong vào năm 1918. Hiện nay, chưa có tài liệu nào xác định chính xác thời gian xây dựng ngôi đình, nhưng theo các bậc cao niên ở địa phương, ngôi đình đã được hình thành trước khi được sắc phong khá lâu. Lúc đầu, ngôi đình được làm bằng tre lá đơn sơ trên gò đất cao nhất của làng để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền, cầu cho mưa thuận gió hòa. Năm 1904, đình được trùng tu lại cho đến ngày nay.
Riêng cây bạch mai trước cửa đình thì đã hiện hữu trước đó từ rất lâu, trước cả khi người dân đến đây khai khẩn, lập làng. Nhiều người cho rằng cây bạch mai đã tồn tại hơn 300 năm, nay vẫn phát triển xanh tốt. Trong tấm bảng ghi vài nét về cổ thụ bạch mai có bài thơ vịnh cây bạch mai do nhà sưu khảo Huỳnh Minh sưu tầm:
"Sừng sững hiên ngang đứng giữa giồng,
Ba trăm năm lẻ chứng non sông.
Sương pha ánh nguyệt hoa trong trắng,
Gió thoảng tà dương nhị ửng hồng
Nhân kiệt Phan, Sương gương tiết liệt
Địa linh Trương, Nguyễn nực anh hùng
Đình xưa Phú Tự, đình linh hiển
Điểm xuyết thần mai đứng giữa giồng".
Đầu năm 2014, cây bạch mai được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản quốc gia.
Theo hồ sơ bảo tồn, cây nguyên thủy có chiều cao khoảng 14m, tán lá rộng chiếm diện tích khoảng 200 m2. Hiện, thân cây chính không còn nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra chín nhánh có chiều cao khoảng hơn 4m với tán lá chiếm diện tích chừng hơn 40 m2.
Không giống như các loại mai vàng vào dịp xuân phải lặt lá trước nửa tháng mới đơm hoa, cây bạch mai cổ thụ này không cần lặt lá vẫn ra hoa. Hoa được mọc từ thân, nhánh có 4 cánh màu trắng tinh khiết, chính giữa là nhụy vàng. Cánh hoa tuy nhỏ nhưng khá dày so với mai vàng.
Cứ vài năm một lần, sân đình có cây bạch mai là nơi diễn ra Ngày thơ Nguyên tiêu của tỉnh Bến Tre.
Sau Tết Nguyên đán, nhiều người đi ngang qua đình Phú Tự thường ghé lại để ngắm hoa bạch mai.
Mới hơn 8 giờ sáng, hai cha con ông Lê Thanh Hùng, 60 tuổi, ở xã Hữu Định, thành phố Bến Tre đã chạy xe gắn máy đến ngắm hoa bạch mai và sẵn tiện nhặt một ít hoa mang về nhà phơi khô.
Ông Hùng cho biết: "Mấy năm nay, năm nào tôi cũng canh sau rằm tháng Giêng đến đây ngắm bạch mai và xin hoa về ngâm rượu xem như lấy lộc đầu năm. Tôi dùng rượu ngâm hoa bạch mai để trị bệnh đại tràng, một số người dùng pha trà uống rất thơm".
Bà Phụng Xuyến, 65 tuổi, người trông coi đình Phú Tự cho biết: "Gần 20 năm nay, cứ sau Tết người dân chung quanh đều đến đây lượm hoa bạch mai về phơi khô pha trà vì rất thơm. Ban Quản lý đình cũng căng bạt hứng quanh gốc để thu hoạch hoa đem phơi khô đợi tới lễ Kỳ Yên (ngày 16/3 âm lịch) sẽ chia thành từng phần nhỏ phân phát cho dân làng để lấy lộc".
Trưởng ban Quản lý đình Phú Tự Đoàn Văn Mười cho biết: "Đến nay, tôi là thế hệ thứ ba trông coi ngôi đình Phú Tự và cây bạch mai quý hiếm này. Người dân nơi đây rất trân quý, giữ gìn cây bạch mai cổ thụ. Chung quanh gốc bạch mai đã được xây gạch, trụ sắt chống đỡ từng nhánh để để cây không bị gãy, đổ. "Cụ" bạch mai luôn phát triển xanh tốt...".
Trải qua bao biến cố của lịch sử, cây bạch mai hơn 300 năm tuổi vẫn sừng sững phát triển và mỗi năm ra hoa một mùa. Người dân ở đây xem hoa bạch mai như là lộc đầu năm mới, chia nhau mỗi người một ít mang về pha trà.
Cây bạch mai cổ thụ gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Phú Hưng nói riêng và của tỉnh Bến Tre nói chung, vì vậy, người dân ở đây đều có ý thức bảo vệ, chăm sóc "cụ" bạch mai, cây di sản quốc gia như giữ gìn sự hiện hữu về một thời lập làng, lập ấp của ông cha thuở trước...