Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ sự đầu tư tập trung, hiệu quả, bảy xã miền núi của huyện Ba Vì đã đạt nhiều kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Những địa bàn này đã không còn là “lực cản”, mà đã trở thành “lực đẩy” quan trọng để huyện bứt phá hơn trong giai đoạn tới.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ dân tộc Mường ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) tập văn nghệ.
Phụ nữ dân tộc Mường ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) tập văn nghệ.

Chúng tôi đến xã Minh Quang vào những ngày đầu thu. Con đường hoa dẫn đến trung tâm xã rực rỡ sắc mầu. Diện mạo của một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Ba Vì ngày trước đã khang trang hơn rất nhiều.

Là người sinh sống ở đây nhiều năm, ông Nguyễn Minh Hùng ở thôn Cốc Đồng Tâm, xã Minh Quang phấn khởi cho biết: “Không chỉ có hạ tầng đẹp hơn, mà đời sống người dân cũng thay đổi rõ rệt, từ kinh tế đến tinh thần. Nếu đến đây vào cuối chiều, sẽ được chứng kiến phong trào thể thao, văn hóa-văn nghệ ở địa phương”.

Theo lãnh đạo xã Minh Quang, nếu như năm 2008 (thời điểm khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm 11,5% tổng số hộ dân, thì đến đầu năm 2023, tỷ lệ này chỉ còn 0,35%. Sau thời điểm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, xã Minh Quang được thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì quan tâm, đầu tư hơn 700 tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế…

Từ một xã chỉ có 11% đường bê-tông, thì đến nay 98% tuyến đường ở Minh Quang được nhựa hóa, bê-tông hóa; các trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân của xã đạt khá cao, gần 64 triệu đồng/người/năm, cao gấp gần 10 lần so với năm 2008. Hiện tại xã đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Một xã vốn khó khăn khác của huyện Ba Vì là Vân Hòa cũng đã có những đổi thay rõ nét, không chỉ là về hạ tầng, mà quan trọng hơn là chất lượng đời sống nhân dân. “Nếu như năm 2017, xã có 409 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo, thì đến năm 2023, Vân Hòa chỉ còn 34 hộ nghèo (1,13%), 65 hộ cận nghèo (2,16%); thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, Vân Hòa được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết.

Việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với du lịch, xây dựng thành công 27 sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Vân Hòa đã góp phần tích cực tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường được chú trọng. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn mới được khởi sắc qua các phong trào "Sạch làng, đẹp ruộng", "Đoạn đường nở hoa", "Đoạn đường phụ nữ tự quản", "Đoạn đường an ninh tự quản"; Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố vững mạnh, công tác an ninh, quân sự được bảo đảm tốt, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, nhờ sự đầu tư tập trung, hiệu quả, đến nay, toàn bộ bảy xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng cơ sở (giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa xã, thôn) trên địa bàn huyện từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng; riêng năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng)…

Hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng với sự phát triển của đa dạng các loại hình kinh tế đã và đang góp phần giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc tại bảy xã khu vực miền núi thuộc huyện Ba Vì. Năm 2011, bảy xã miền núi của Ba Vì có 2.693 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,15% số hộ dân toàn huyện, thì đến nay, huyện chỉ còn 177 hộ nghèo (0,69%), thu nhập bình quân đầu người dân đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hiện còn dưới 0,7%...

Những kết quả này đã góp phần quan trọng giúp cho huyện Ba Vì đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kinh tế tăng trưởng khá, thu nhập bình quân từ 29 triệu đồng/người/năm (năm 2008) tăng lên 55,6 triệu đồng/người/năm (năm 2022); riêng thu nhập bình quân tại bảy xã miền núi đạt 52 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, bảy xã miền núi của huyện là: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại đều không còn là xã đặc biệt khó khăn. Những chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tiềm năng của các xã miền núi đang được khai thác hiệu quả, phát triển nhiều hình thức du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh tại các điểm nổi bật như: Cụm đền Trung-Thượng-Hạ; các khu du lịch: Khoang Xanh, Ao Vua, Thiên Sơn Suối Ngà.

Lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện tập trung phát triển kinh tế toàn diện, tạo bứt phá về tốc độ tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc miền núi với đồng bằng; nâng cao hơn nữa đời sống người dân trên địa bàn.