Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có vốn phát triển sản xuất, từ đó nâng cao được đời sống cho người dân và là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh về đích theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Đòn bẩy tạo sinh kế
Năm 2017, gia đình anh Vừ Dũng Páo (thôn Nà Pom, Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) vay 20 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển chăn nuôi. Sau 2 năm nuôi trâu, gia đình anh đã thoát nghèo và anh đã được bà con tín nhiệm, bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn.
Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, anh Páo vay tiếp 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm để đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh hiện có 3 con trâu và đàn lợn sinh sản 5 con. Kinh tế gia đình anh theo đó cũng ngày càng khấm khá.
Thấy vay vốn có thể giúp làm ăn hiệu quả, anh Páo đã đi hướng dẫn vận động nhiều bà con trong thôn cùng làm theo. Như gia đình anh Giàng Mí Sính, hai vợ chồng vất vả quanh năm với 1 vụ lúa nuôi 4 đứa con mà nhiều lúc cũng rất thiếu thốn. Nên nghe theo anh Páo và Hội Cựu chiến binh của thôn, anh Sính và cả người em trai sống ngay bên cạnh, cũng mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2023 khoảng 100 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 2 con trâu để chăn nuôi.
Đại diện cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Cựu chiến binh trò chuyện với anh Vừ Dũng Páo (đứng giữa) về tình hình sử dụng vốn của các tổ viên. |
“Với đặc thù vùng núi đá, ít đất sản xuất nên bà con trong thôn chủ yếu trồng ngô và lúa. Sau thấy có thể phù hợp thêm trồng cỏ, cho nên chúng tôi đã vận động, tư vấn bà con chăn nuôi thêm trâu bò để còn có đồng ra, đồng vào, tăng thêm thu nhập. Cũng rất may, từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, bà con đã có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi cũng vận động bà con sử dụng đồng vốn sao cho thật hiệu quả”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thôn Nà Pom Nguyễn Văn Thức chia sẻ.
Khác với thị trấn nơi giao thông thuận tiện và hoạt động giao thương còn khá sầm uất, cũng trên địa bàn huyện Yên Minh nhưng Ngam La lại là một xã xa xôi hẻo lánh, cách trung tâm huyện 20km. Với khoảng 80% đồng bào dân tộc Dao, 17% dân tộc H'Mông, còn lại là các dân tộc khác cùng sinh sống, bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ còn chưa có điện, có thôn 100% là hộ nghèo.
Chủ tịch UBND xã Ngam La Nguyễn Văn Thuận cho biết, hiện nay, bên cạnh trồng lúa 1 vụ thì bà con trong xã chủ yếu tập trung vào các mô hình trồng chè và chăn nuôi để có thêm thu nhập.
“Cấp ủy, chính quyền chúng tôi thường xuyên làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể xã, làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai giải ngân vốn vay cho bà con trên địa bàn. Tổng nguồn vốn được giải ngân đến nay là hơn 22,3 tỷ đồng, nợ quá hạn 0%. Nguồn vốn cho vay được người dân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Thuận đánh giá.
Chủ tịch UBND xã Ngam La Nguyễn Văn Thuận. |
Cũng theo ông Thuận, những năm qua nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách nên đã góp phần giúp tỷ lệ thoát nghèo của xã tương đối cao. Riêng theo rà soát trong năm nay, tỷ lệ thoát nghèo của xã là hơn 6%.
Nhìn rộng ra toàn huyện Yên Minh, tiếp tục thực hiện cơ chế cho vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể, trong năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện đã giải ngân cho hộ nghèo vay 74.715 triệu đồng cho 1.218 khách hàng vay; cho vay hộ cận nghèo 22.575 triệu đồng cho 349 khách hàng vay, góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Theo thống kê mới nhất trên toàn huyện, tổng số hộ nghèo cuối năm 2024 là 8.080 hộ (tương đương 40,58%), giảm 1.129 hộ nghèo (tương đương giảm 6,41%) so với hộ nghèo đầu năm 2024; giảm 1.236 hộ nghèo đa chiều, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 7,21%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,80% so với đầu năm 2024. Còn lại gần 44% là hộ không nghèo, trong đó hộ có mức sống trung bình chiếm 33,19%.
“Sang năm 2025, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn, chính sách ưu đãi thuộc chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững; chỉ đạo kế hoạch tập huấn điều tra, rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo năm 2025 để làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ chính sách cho năm tiếp theo”, đại diện lãnh đạo huyện Yên Minh cho biết thêm.
Hai anh em anh Giàng Mí Sính mạnh dạn vay vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi. |
Sự vào cuộc đồng bộ
Có thể thấy trong nhiều năm qua, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền của tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm cho lao động, đồng thời xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo.
Cùng với các nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo số liệu từ tỉnh Hà Giang, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 900 nghìn người với 19 dân tộc cùng sinh sống, với 191.157 hộ dân (trong đó, hộ nghèo là 59.496 hộ, chiếm tỷ lệ 31,12%; hộ cận nghèo 21.955 hộ, chiếm tỷ lệ 11,49%; số hộ không nghèo là 109.706 hộ, chiếm tỷ lệ 57,39%).
Bà con xã Ngam La tìm hiểu về các chương trình vay vốn tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã. |
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền đã bố trí một phần vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện để thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức động viên, vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn dành nguồn vốn gửi vào Ngân hàng Chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Đến ngày 31/10, tổng nguồn vốn đạt 5.315,1 tỷ đồng, tăng 3.483,3 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11%. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.577,1 tỷ đồng, tăng 2.792,1 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn huy động từ thị trường đạt 466,3 tỷ đồng, tăng 437,3 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 8,7% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 271,5 tỷ đồng, tăng 253,9 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 5,2% tổng nguồn vốn (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác đạt 193,1 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác đạt 78,4 tỷ đồng).
Bên cạnh việc quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; phân công Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, nhất là quan tâm bố trí địa điểm làm việc, bảo đảm an ninh, an toàn đối với các buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Điểm giao dịch xã.
Người dân giao dịch tại Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 10.586 tỷ đồng, với 282.952 lượt đối tượng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 6.882 tỷ đồng, bằng 65% doanh số cho vay.
Đến ngày 31/10, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.307,6 tỷ đồng, tăng 3.480,6 tỷ đồng so với năm 2014, với 93.737 đối tượng chính sách còn dư nợ; bình quân một hộ dư nợ đạt 56,6 triệu đồng, tăng 37,5 triệu đồng so với năm 2014.
Dư nợ tập trung ở một số chương trình như: Chương trình tín dụng hộ nghèo với dư nợ đạt 1.830,9 tỷ đồng, chiếm 34% tổng dư nợ, 35.365 đối tượng đang còn dư nợ; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo với dư nợ đạt 667 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng dư nợ, 12.716 đối tượng còn dư nợ,…
Nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội, các ngành, cơ quan chức năng phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chú trọng tới việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, chất lượng công tác ủy thác và hoạt động của tổ Tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang, đến ngày 31/10, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 7.653 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,14%/tổng dư nợ tín dụng. Trong đó: Nợ quá hạn là 3.711 triệu đồng, giảm 8.567 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ; Nợ khoanh 3.942 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ, giảm 33.086 triệu đồng so với năm 2014. Toàn tỉnh có 118/193 đơn vị cấp xã; 2.479/2.605 tổ Tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn. Chất lượng hiệu quả hoạt động giao dịch xã 100% đơn vị được đánh giá xếp loại tốt.
Cán bộ tín dụng hướng dẫn bà con cách truy cập ứng dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội trên điện thoại để tra cứu các khoản vay. |
Như vậy có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) Đỗ Quốc Hương nhấn mạnh: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, có thể khẳng định chỉ thị đã đi vào cuộc sống và tạo nên tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần không nhỏ vào thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Tính đến ngày 31/10/2024, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 427,9 tỷ đồng, tăng 241,8 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 40, hiện nay, toàn huyện có hơn 9.000 khách hàng đang có dư nợ. Mặc dù là huyện nghèo, nguồn ngân sách rất hạn hẹp, song ngoài nguồn vốn chính sách, hằng năm huyện Đồng Văn cũng đã quan tâm dành nguồn lực từ nguồn ngân sách huyện để cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn cho vay, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện nhiệm vụ. Tính đến nay, huyện Đồng Văn đã chuyển cho ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền gần 6,5 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
“Từ kết quả nêu trên có thể khẳng định, việc ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt phù hợp với các huyện nghèo, các huyện ở khu vực đặc biệt khó khăn như huyện Đồng Văn”, ông Đỗ Quốc Hương nêu rõ.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương. |
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương, để phát huy hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tín dụng chính sách. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các xã thị trấn, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Tiếp tục bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, đúng quy định.
Đáng chú ý, ông Hương cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cần chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; phát huy vai trò trong tổ chức triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội huyện trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; trong triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách thông qua nguồn vốn của tổ chức hội được ủy thác, bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch.