Mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi từ tín dụng chính sách xã hội

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia, nhà khoa học phản biện về tính đặc thù của đối tượng vay vốn chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội.
Các chuyên gia, nhà khoa học phản biện về tính đặc thù của đối tượng vay vốn chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Các ý kiến phản biện đánh giá, việc ban hành nghị quyết, bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay là rất cần thiết, đúng thời điểm, đúng định hướng về an sinh xã hội của thành phố và đặc thù của Thủ đô trong công tác tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội theo các quy định hiện hành đang có một số bất cập về đối tượng vay vốn. Nhiều nhóm đối tượng dù có hoàn cảnh khó khăn so với mặt bằng chung nhưng chưa thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của một số chương trình tín dụng để phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm do không thuộc đối tượng vay vốn theo quy định của Trung ương.

Nhiều hộ gia đình cư trú tại thị trấn, phường chưa có công trình nước sạch, vệ sinh hoặc đã có nhưng xuống cấp, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để xây mới, cải tạo, do không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay theo quy định của Chính phủ.

Ðáng chú ý, nếu theo quy định hiện hành, người dân sinh sống tại một số huyện của thành phố sẽ lên quận trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 cũng sẽ không được tiếp cận nguồn vốn vay để xây mới, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh khi huyện được công nhận là quận.

Ðể khắc phục những tồn tại, chưa phù hợp, đối với đối tượng thụ hưởng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định bổ sung đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thành phố.

Ðối tượng bổ sung bao gồm: Một là, chương trình cho vay học sinh, sinh viên; hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số, người mù, người khuyết tật hoặc đã chết; hộ gia đình có thành viên là người có công theo quy định pháp luật về người có công; hai là, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường áp dụng đối với hộ gia đình có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; ba là, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ðáng chú ý, tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố về nội dung này nêu rõ, Hà Nội có đặc thù mặt bằng giá cả, điều kiện sống, mức sống cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Các tiêu chí về nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm nghèo, tạo việc làm... của Hà Nội cũng có những đặc thù và cao hơn tiêu chí chung của cả nước; do đó, đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cũng cần có những đặc thù, khác với đối tượng thụ hưởng từ nguồn vốn Trung ương.

Về nguồn kinh phí thực hiện, sau khi đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng theo thứ tự ưu tiên của thành phố, dự kiến Ủy ban nhân dân thành phố sẽ bố trí ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế theo kết quả rà soát hằng năm.

Tham gia phản biện xã hội với nội dung dự thảo nghị quyết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố nhận định, Nghị quyết ban hành và bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay rất đúng thời điểm, cần thiết và đúng định hướng về an sinh xã hội của thành phố cũng như đặc thù của Thủ đô trong công tác tạo việc làm và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo Tiến sĩ Ðinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng thành viên về kinh tế, để tránh tiêu cực, trục lợi trong quá trình xét đối tượng được vay, quản lý, xét duyệt mức vay, cần có quy định chi tiết của cơ quan quản lý và Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Ðình Dương cho rằng, nên làm rõ thêm tiêu chí hoặc tiêu chuẩn của đối tượng cho vay là hộ gia đình và người lao động ở thành phố. Tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố nên bổ sung báo cáo sơ kết hoặc thông tin kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội trong hai, ba năm gần đây để tìm ra hướng đi đúng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo và tập trung các nguồn lực để nâng cao nguồn lực tín dụng chính sách xã hội, trong đó mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay; sẽ chỉ đạo thường xuyên rà soát các đối tượng và việc thực hiện cho vay, với quan điểm “tiến độ, công bằng, bền vững, công khai, minh bạch” và phương châm hành động là “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ và hiệu quả thực chất”. Thành phố sẽ cử cán bộ đến tận nơi xem người thụ hưởng được thay đổi những gì từ việc vay vốn tín dụng, để đánh giá hiệu quả của chính sách.

Dự kiến Nghị quyết sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị tại kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.