Tây Ninh là điểm đến hấp dẫn khách du lịch với nhiều danh thắng nổi tiếng như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng hay Khu căn cứ Trung ương Cục miền nam,... Hiện nay, tỉnh trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế toàn diện, thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, sự triển khai mạnh mẽ, sâu rộng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững và Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tây Ninh, trong 10 năm qua, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng năm, từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 0,65% xuống còn 0,16%. Hết năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 512 hộ nghèo trên tổng số 322.582 hộ dân.
Tiêu biểu như tại huyện Tân Châu, một trong năm huyện nông thôn biên giới của Tây Ninh, nhờ nguồn vốn chính sách đầu tư đến tất cả ấp, thôn, xã trên địa bàn, công cuộc giảm nghèo đã đi vào thực tiễn một cách bền vững. Giai đoạn 2021-2023, huyện Tân Châu giảm được 0,55% hộ nghèo, hộ cận nghèo, cùng với đó, tám trên tổng số 11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh Đào Anh Tuấn cho biết: Điểm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là chi nhánh đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác sang chi nhánh để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; dành sự hỗ trợ kinh phí ngân sách trang bị, mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của tín dụng chính sách. Hằng năm, hầu hết Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đều trích ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã để cho những đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn được vay vốn.
Từ sự quan tâm giúp đỡ đó, các nguồn lực tài chính ở tỉnh Tây Ninh có nguồn gốc ngân sách nhà nước đã được quy về một đầu mối, chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành. Tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 535,2 tỷ đồng, tăng 483,3 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, trong đó ngân sách cấp tỉnh đạt 425,8 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện đạt 109,3 tỷ đồng, nguồn lực của Mặt trận Tổ quốc cấp ủy, huyện, xã đã mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền là 27.371 triệu đồng. Nhờ đó, tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh đã đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng 2.787,5 tỷ đồng so với 10 năm trước, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm.
Cũng từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với việc tiếp nhận các nguồn lực, nguồn vốn ở nhiều nơi trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kiên trì, năng động đổi mới quy trình thủ tục, phương thức cấp tín dụng, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Việc xây dựng, củng cố mạng lưới có độ phủ kín khắp địa bàn vùng biên giới rộng lớn, xa xôi thông qua 2.655 tổ tiết kiệm và vay vốn và 94 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã, phường, thị trấn, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về tín dụng chính sách.
Nhờ vậy, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh, dòng vốn chính sách vẫn được khơi thông, từ nông thôn đến thị thành, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Cũng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần đổi thay diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân Tây Ninh. Thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề truyền thống được lựa chọn. Toàn dân thi đua xuống đồng, làm vườn, tạo nguồn thu cho gia đình.
Đánh giá về hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn chính sách ở tỉnh biên giới không những tăng trưởng nhanh, mà còn tạo ra hiệu ứng thiết thực, giúp người dân vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 20 năm với những kết quả ấn tượng, như: Hơn 18,7 nghìn lượt hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo; gần 19 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 67 nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định; xây dựng 308 nghìn công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn và 362 căn nhà mới kiên cố, khang trang...
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian tới, cùng các cấp ủy, chính quyền, toàn chi nhánh sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.