Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) đã có tám năm chào hàng siêu thị nhưng gặp không ít khó khăn. Trong đó, có hệ thống siêu thị chào hàng sáu, bảy lần nhưng không nhận được cái gật đầu, thậm chí có nơi không hồi âm. Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã đều là những sản phẩm nông nghiệp sạch, giá cả cạnh tranh, đầy đủ giấy tờ.
“Tôi mong lãnh đạo các Sở Công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, quản lý các siêu thị có cuộc chơi công bằng hơn cho những người làm nông sản, hợp tác xã có năng lực”, ông Quyết nói. Còn chị Ðoàn Thị Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại, dịch vụ Cẩm Tú ở thị xã Chơn Thành (Bình Phước) chuyên sản xuất các vật dụng bằng kỹ thuật đan, móc thủ công với mong muốn qua những đường kim, mũi chỉ sẽ góp phần giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm hiện chưa có nhiều khách hàng biết đến và chị Thành rất muốn đưa sản phẩm của công ty vào hệ thống bán lẻ của vùng, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Sản phẩm hạt điều của Công ty TNHH Vinahe ở thị xã Phước Long (Bình Phước) được chế biến theo công nghệ châu Âu và đã có mặt tại một số thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, để phủ rộng thị trường Ðông Nam Bộ (18 triệu dân) và Tây Nam Bộ (cũng 18 triệu dân) còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Ðạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe cho biết, Vinahe có sáu dòng sản phẩm hạt điều, trong đó có năm sản phẩm được gắn bốn sao OCOP. Hạt điều sạch, chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng lớn, nguồn cung ổn định nhưng vẫn giảm đi tính cạnh tranh ở thị trường trong nước vì giá cao.
Tại hội nghị hợp tác phát triển kinh tế-xã hội vùng Ðông Nam Bộ, nhiều ý kiến của nhà quản lý, đơn vị phân phối hàng hóa nhìn nhận: thực tế cho thấy, sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khó vào hệ thống siêu thị, bởi các quy chuẩn, quy trình chặt chẽ. Do đó, ngoài yếu tố hàng hóa tốt, các sản phẩm nông nghiệp cần phải vượt xa tính cục bộ vùng miền.
Mặt khác, hiện nay các địa phương đều có sản phẩm nông nghiệp na ná nhau, thậm chí ngay trong tỉnh cũng có nhiều huyện, xã đều có sản phẩm giống nhau, như: chuối, bưởi, mít sấy, hạt điều…, vì vậy khi tham gia các hệ thống siêu thị thường không bảo đảm về sản lượng và tính liên tục của hàng hóa.
Các tỉnh tham gia hợp tác phát triển kinh tế-xã hội vùng Ðông Nam Bộ cũng như từng tỉnh, thành phố cần có quy hoạch vùng cây chuyên canh đủ lớn, bảo đảm nguồn cung hàng hóa quanh năm khi được nhà phân phối đặt hàng. Theo đó, người nông dân cần liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã sản xuất. Trong quá trình canh tác cần tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc cây trồng hữu cơ, xây dựng nhật ký để người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm nội vùng.
Quá trình cung ứng hàng hóa cho hệ thống siêu thị cũng cần chuyên nghiệp như: bảo quản nông sản cần bảo đảm chất lượng, tính liên tục và chất lượng đồng đều. Mặt khác, nhà phân phối cũng cần có sự quan tâm các sản phẩm nông thương mại trong vùng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì. Từ đó có đơn đặt hàng nhà sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.