Với vị trí thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là hạt nhân mang tính dẫn dắt các ngành kinh tế của vùng, trong đó có du lịch. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, lượng khách du lịch đến Đông Nam Bộ chủ yếu là đến Thành phố Hồ Chí Minh do đây là nơi có hạ tầng hoàn thiện nhất, từ đường cao tốc, sân bay, đường sắt, đường biển, tập trung nhiều công ty du lịch lữ hành. Những địa phương khác cũng có sự phát triển nhất định về du lịch, cũng như khả năng thu hút du khách.
Đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh về tiềm lực du lịch là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gắn liền với các ngành kinh tế biển, phong tục văn hóa mang đậm chất Nam Bộ vùng ven biển. Bà Rịa-Vũng Tàu nổi tiếng với các bãi tắm: bãi Sau, bãi Trước, bãi tắm hồ Tràm... tỉnh Đồng Nai cũng có tiềm năng với nhiều địa danh, phong cảnh đẹp như thác Giang Điền, hồ Trị An, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai.
Đồng Nai cũng có nhiều địa danh lịch sử, tâm linh-văn hóa như chiến khu D, chùa Gia Lào. Riêng Tây Ninh không quá nổi bật về du lịch gắn với thiên nhiên (trừ Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát và núi Bà Đen) nhưng địa phương này là một chứng tích lịch sử, tâm linh-văn hóa vô cùng phong phú, kiến thành lên loại hình du lịch "về nguồn"...
Hiện trạng phát triển du lịch ở các địa phương vẫn còn mang tính độc lập, chưa thật sự có những tuyến chuyên đề nhằm kết nối các địa phương, quảng bá hình ảnh chưa sâu rộng và còn hạn chế những yếu tố về đầu tư, vốn, hệ thống hạ tầng.
Trong khi đó, liên kết du lịch không chỉ phát huy tốt tài nguyên du lịch ở mỗi địa phương, mà còn đa dạng hoá sản phẩm, tránh gây nhàm chán đối với du khách, hỗ trợ kinh tế-xã hội của cộng đồng, bổ trợ cho nhau. Dựa trên những lợi thế của vùng, nếu kết hợp sẽ tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài chuyến hành trình và ngày lưu trú của khách du lịch.
Trên cơ sở mạng lưới giao thông được xây dựng tương đối hoàn thiện để kết nối, cũng như sự đa dạng hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa ở mỗi vùng, địa phương, có thể tạo nên chuỗi liên kết để cùng nhau thúc đẩy du lịch.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương trong vùng cần xác định "bản đồ" các tuyến, điểm du lịch liên kết, trong đó chú trọng thành lập các tuyến trải nghiệm rừng ngập mặn, nghỉ dưỡng, tắm biển, ẩm thực, văn hóa làng chài biển và khám phá rừng tự nhiên.
Các tuyến kết nối trải nghiệm tham quan từ vùng núi (núi Dinh, núi Thị Vải) đến các hoạt động tắm biển, nghỉ ngơi tại thành phố Vũng Tàu. Tuyến kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai với các thác nổi tiếng như thác Giang Điền, hồ Trị An, Vườn Quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan (Đồng Nai)...
Các địa phương cũng cần xác định từng loại sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để tạo điểm nhấn trên các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch cũng được ưu tiên đa dạng hóa. Đồng thời, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh phối hợp xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.