Để tăng sức cạnh tranh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình làm việc, cải thiện hiệu suất sản xuất, kinh doanh.
Công nghệ số bao gồm nhiều lĩnh vực như phần mềm, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR)… với mức tăng trưởng cao nhờ nhu cầu ngày càng tăng từ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công nghệ số cũng được xem là đòn bẩy để các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp công nghệ số hiện nay tại vùng Đông Nam Bộ cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức, cụ thể như: sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các công ty lớn, các startup (khởi nghiệp) từ nước ngoài; thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cao trong lĩnh vực công nghệ số, từ lập trình viên đến chuyên gia dữ liệu.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng cũng đang đối mặt các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng, đặt ra thách thức lớn về công tác bảo mật. Cơ sở hạ tầng công nghệ số chưa đồng bộ cũng là yếu tố hạn chế đáng kể đối với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này. Ngoài ra, khoảng 90% doanh nghiệp công nghệ là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực đầu tư hạn chế, khiến các doanh nghiệp này dễ bị “tổn thương”, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số toàn vùng...
Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị thế là nền tảng, hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong tương lai.
Nhằm tận dụng và khai thác tiềm năng ngành công nghiệp này, thời gian qua, các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ số, qua đó, ghi nhận sự tăng trưởng khá nhanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến, cũng như nâng cao hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, sự tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để ngành công nghiệp công nghệ số thật sự là ngành công nghiệp chủ đạo, mang tính dẫn dắt, tạo bước đột phá phát triển kinh tế, các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số với những bước đi cụ thể.
Trong đó, chú trọng tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số để tiếp nhận nguồn tri thức, ý tưởng, công nghệ; thương mại hóa các ý tưởng, công nghệ thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế; kết hợp với các đối tác bên ngoài (hợp tác, đầu tư…) để tạo ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ số…
Đồng thời, các địa phương trong vùng cần định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới.
Song song đó, cần có các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ số, bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D); thiết lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cung cấp vốn vay ưu đãi, tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ số mới thành lập hoặc đang phát triển; khuyến khích các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ tài chính linh hoạt cho doanh nghiệp công nghệ.
Cùng với việc tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, đơn giản hóa các quy trình thủ tục hành chính, việc phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ số cũng là vấn đề cấp bách.
Theo đó, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số phải bảo đảm cả về nhân lực chuyên môn và nhân lực xã hội. Muốn làm được điều này, cần xây dựng cơ chế để đào tạo chính quy và đào tạo bồi dưỡng lực lượng lao động chuyên môn cao cho công nghiệp công nghệ số về kỹ thuật phần mềm, tự động hóa, AI,…