Quyết liệt với nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường

Tại các đô thị lớn; nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trái phép để kinh doanh, buôn bán vẫn là vấn đề nan giải. Trong nỗ lực xây dựng văn minh đô thị, nhất là việc “giành” lại phần đường cho người đi bộ, chính quyền các địa phương cần có những giải pháp cứng rắn, quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều vỉa hè, lòng, lề đường ở thành phố Thủ Đức vẫn bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán.
Nhiều vỉa hè, lòng, lề đường ở thành phố Thủ Đức vẫn bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán.

Nhiều người dân phản ánh, một quán ăn nằm gần ngã tư Nơ Trang Long-Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), để “cơi nới” diện tích buôn bán, chủ quán thường xuyên kê bàn ghế chiếm cả vỉa hè; khi đông khách, nhân viên còn chiếm luôn một phần lòng đường làm chỗ giữ xe. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chỉ được ít bữa, tình trạng cũ lại tiếp tục tái diễn.

Tương tự, một quán nhậu ở đầu hẻm 105 Hoàng Hoa Thám, Phường 7, chủ quán cũng biến diện tích vỉa hè dành cho người đi bộ thành nơi đậu xe. Chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường không còn hiếm ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều địa điểm thậm chí bị lấn chiếm cả ngày lẫn đêm, gây bức xúc cho người dân. Đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu,… tình trạng này cũng không ngoại lệ. Thực trạng tồn tại đã nhiều năm gây ra nhiều phiền toái cho người dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Nghị định số 100/2019/NĐ- CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, đối với tổ chức có hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng; với cá nhân từ 200-400 nghìn đồng. Các điều khoản của Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 4-6 triệu đồng (đối với tổ chức) có hành vi lấn chiếm trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa... gây cản trở giao thông. Mặc dù các quy định đã nêu chi tiết về mức phạt và được triển khai thi hành, nhưng trên thực tế, việc lấn chiếm không có dấu hiệu giảm xuống; thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức còn chấp nhận đóng phạt để tiếp tục kinh doanh, buôn bán. Các chuyên gia cho rằng, chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để có thể giải quyết vấn nạn này.

Trong số rất nhiều người bán hàng rong, đa phần đều là người có thu nhập thấp. Việc chế tài quá mức thu nhập của người lao động cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong câu chuyện an sinh xã hội. Để từng bước chấn chỉnh, các địa phương cần có lộ trình dài hơi, gắn với thực tế phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Bên cạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật đến các cá nhân, tổ chức để họ ý thức và tự giác chấp hành thì giải pháp áp dụng camera phạt nguội trong quản lý trật tự đô thị cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn.

Với những “mắt thần” giám sát 24/24 giờ, tất cả đều phải tự giác chấp hành quy định tốt hơn. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang được các cơ quan chức năng tham mưu cách trừ điểm thi đua đối với địa phương để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường xảy ra trong thời gian dài nhưng không được chấn chỉnh. Ngoài ra, cần những giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân, tạo việc làm cho các đối tượng có nhu cầu. Khi những xe hàng rong dần kiếm được công việc ổn định thì việc lấn chiếm vỉa hè một cách bất chấp cũng sẽ không còn nữa.