Các cơ quan chức năng cần những hình thức răn đe, chế tài mạnh hơn nữa để trị thói côn đồ, hống hách trong cách ứng xử của một số người.
Mới đây, tại Quận 1, ông Quách Minh Nhựt đang đậu ô-tô bên đường, chỉ vì thấy khó chịu khi nhìn mặt một người đàn ông chở theo một phụ nữ bằng xe máy, ông này đã lao xuống dùng tay đấm liên tiếp vào vùng mặt của người đàn ông này.
Mặc cho người phụ nữ đi theo ông Nhựt (trên tay bế em bé sơ sinh) và người đi đường can ngăn nhưng đối tượng Nhựt vẫn tiếp tục hành hung nhiều lần nữa trước khi rời đi. Đoạn clip lan truyền trên mạng khiến người xem bức xúc phẫn nộ. Riêng người đàn ông bị đánh sau khi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện được bác sĩ chẩn đoán bị xuất huyết ở mắt, mặt và chấn thương vùng chân. Đối tượng Nhựt sau đó đã bị Công an Quận 1 bắt khẩn cấp về tội cố ý gây thương tích.
Tương tự, Công an Quận 4 cũng vừa bắt khẩn cấp đối tượng Bùi Thanh Khoa (sinh năm 1984, ngụ Quận 10) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích khi anh này điều khiển xe máy chèn ép xe chị Q.A. đang lưu thông trên đường, sau đó hành hung chị.
Trong biên bản làm việc, Cơ quan chức năng kết luận hành vi của đối tượng Khoa thể hiện tính côn đồ, hung hãn và coi thường pháp luật. Đây là dấu hiệu rõ ràng của hành vi cấu thành tội cố ý gây thương tích.
Còn tại Bình Phước, hình ảnh một thanh niên mở cửa ca-bin xe lao lên đấm liên tiếp vào vùng đầu, mặt của một lái xe tải trên tuyến ĐT741 cũng khiến người dân rất bức xúc. Đoạn clip lan truyền trên mạng cho thấy, thời điểm bị tấn công, trong ca-bin xe có một phụ nữ bồng một trẻ em, cả hai khóc lóc năn nỉ người thanh niên dừng lại nhưng vô ích.
Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 số 12/2017/QH14, hành vi cố ý gây thương tích hay gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật cơ thể từ 11% trở lên, hoặc tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng có một trong các tình tiết tăng nặng thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong đó, mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng-ba năm; và mức phạt tối đa đối với tội này lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân (tùy theo mức độ nguy hiểm của từng hành vi).
Có thể thấy, quy định của pháp luật vẫn có những kẽ hở, chưa đủ sức răn đe khiến nhiều đối tượng hung hãn, thích gây sự ở nơi công cộng bằng các hành vi bạo lực.
Đơn cử như quy định, trong trường hợp đánh nhau mà gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tích dưới 11%, đồng thời không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt thì người có hành vi vi phạm chỉ bị phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng. Đối chiếu với các trường hợp cụ thể ở trên, có thể các nạn nhân không bị thương tích hơn 11% nhưng rõ ràng, hành vi của các đối tượng là rất hung hãn, bất chấp pháp luật.
Hành vi đó cần được ngăn chặn bằng những chế tài chi tiết đủ sức nặng về mặt pháp luật. Kỷ cương, kỷ luật phải được lập lại trong giao thông. Tất cả những vi phạm cần bị xử phạt nghiêm khắc, công khai. Chỉ khi đó, những người ở nơi cộng cộng mới thượng tôn pháp luật, ứng xử văn minh nơi công cộng.
Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đang hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, hiện đại thì những “con sâu” như thế cần phải được nghiêm trị để làm gương; cũng là cách để tuyên truyền một cách hiệu quả về cách xử sự, ứng xử với nhau trong xã hội. Nếu có va chạm, chỉ cần mỗi bên nhường nhịn, giữ hòa khí, thì những hành vi bạo lực sẽ không xảy ra như những hình ảnh đáng lo ngại đã xuất hiện thời gian qua.