“Lộ thông tài mới thông”, thế nhưng, bao năm qua, các tuyến giao thông cửa ngõ huyết mạch nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận luôn quá tải, ùn tắc không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế mà còn khiến người dân bức xúc.
Những ai đã từng đi về cửa ngõ phía tây bắc vào sáng sớm hay chiều tan tầm mới thấu hiểu cái cảnh phải nhích từng chút một trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 22. Chỉ một đoạn đường vài ki-lô-mét nhưng phải mất hàng giờ di chuyển đã trở thành điều bình thường với người dân thành phố.
Rồi những ngày nghỉ, lễ, Tết, những ai từng hòa cùng đoàn xe phải oằn mình nối đuôi nhau chịu trận trong cái nắng như đổ lửa trên Quốc lộ 1 từ miền tây đổ về thành phố mới cảm nhận được niềm mong ước của người dân về một tuyến đường thông thoáng.
Ùn tắc giao thông không chỉ khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Một thống kê của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2009, nạn kẹt xe ở thành phố gây thiệt hại khoảng 13.000 tỷ đồng.
Năm 2022, thiệt hại lên tới 6 tỷ USD, tương đương 138.000 tỷ đồng và hiện tại con số này đã tăng cao thêm nhiều lần. Đó là chưa kể, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đã kéo dài hơn 2 thập niên. Ban đầu, vốn dự kiến vài nghìn tỷ đồng, đến năm 2019 đã tăng lên 10.000 tỷ đồng và nay lên gần 20.000 tỷ đồng.
Không thể đong đếm hết những thiệt hại do ùn tắc giao thông mang lại, nhất là ở những tuyến đường cửa ngõ nối Thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Do vậy, thông tin về việc Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên nâng cấp, mở rộng 5 tuyến đường cửa ngõ: Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); trục Bắc-Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành), cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) được ví như liều thuốc tinh thần cho các doanh nghiệp và người dân thành phố.
Như cách nói của bà Trần Thị Hương, một người dân ngụ Quận 8: “Người dân thuộc phạm vi xây dựng cầu Bình Tiên đã chờ đợi chục năm rồi. Năm này qua năm khác chúng tôi cứ thấp thỏm chờ… mà có thấy công trình đâu”.
Băn khoăn của bà Hương cũng là sự trăn trở, chờ đợi của rất nhiều người dân có đất nằm trong quy hoạch xây dựng các tuyến giao thông cửa ngõ. Mong muốn của người dân là thành phố sớm công khai ranh dự án, giá đền bù, chính sách hỗ trợ để người dân an tâm sinh sống.
Dù lựa chọn phương án làm đường trên cao, mở rộng đường hiện hữu, bằng nguồn vốn nhà nước hay tư nhân thì mục tiêu cuối cùng vẫn là phục vụ chuyện đi lại của người dân, bảo đảm lợi ích cho cả cộng đồng, chỉnh trang bộ mặt đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã mở ra cho Thành phồ Hồ Chí Minh nhiều cơ hội thực hiện các dự án theo hình thức BOT, để từ đó có thể tận dụng lợi thế về nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp mặn mà tham gia, thành phố cần thực hiện tất cả mọi giải pháp để rút ngắn thủ tục đầu tư, hạn chế tình trạng dự án “đội vốn” và quan trọng nhất là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân.
Đã đến lúc Thành phố Hồ Chí Minh phải quyết tâm hành động, để người dân sớm thấy “quả ngọt” từ cơ chế mới, phá tan những nút thắt về hạ tầng đang cản trở dòng chảy giao thông và phát triển kinh tế.