Lịch sử thơ ca-lý-hò-vè của dân tộc ta, từ khởi nguồn tới nay chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ, chúng luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để xây đắp nền văn hiến và duy trì sự phát triển cả về đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần của người dân Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung là vùng đất hội tụ về văn hóa, lưu giữ nhiều làn điệu dân gian độc đáo, mang nét đặc trưng vùng miền. Chính vì thế, cuộc vận động sáng tác lời mới thơ ca-lý-hò-vè Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Nông thôn ngày mới" là một hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo thơ ca-lý-hò-vè của nước nhà, đồng thời tiếp tục giới thiệu, quảng bá, lan tỏa, tuyên truyền các loại hình diễn xướng dân gian qua các tác phẩm viết lời mới mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thật xúc động khi biết rằng, cuộc vận động đã thu hút nhiều tác giả ở miền bắc, miền trung, ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nhiệt tình hưởng ứng, tham gia, minh chứng bằng việc nhiều tác phẩm mang giai điệu đa dạng, từ lý Năm Căn, lý bông dừa, lý Cái Mơn của Nam Bộ đến lý cây đa, hát chèo của miền bắc, dân ca ví giặm Nghệ An-Hà Tĩnh…
Nhiều bài đã đi đúng chủ đề về nông thôn mới, khai thác sâu sắc chủ đề, bên cạnh đó còn có đề tài về gia đình, quê hương và tình yêu đất nước và về Bác Hồ. Các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ dân gian giàu hình ảnh và âm điệu, bám sát tinh thần của nghệ thuật thơ ca-lý-hò-vè. Không ít tác giả đưa ra những sáng tạo mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống phù hợp với đời sống đương đại… Điểm đặc biệt là có tác phẩm đã sử dụng bốn, năm làn điệu để thể hiện trong một nội dung của tác phẩm, rất phong phú.
Bên cạnh đó còn có những mặt hạn chế của các tác phẩm cần rút kinh nghiệm. Một số tác phẩm còn trùng lặp về ý tưởng, chưa thật sự sâu sắc hoặc chưa đạt yêu cầu về cấu trúc và nhịp điệu. Một số tác phẩm không nằm đúng theo chủ đề của cuộc vận động sáng tác. Có một số bài vì chạy theo ý mà đặt lời bị cưỡng âm theo giai điệu...
Cuộc thi sáng tác với chủ đề "Nông thôn ngày mới" đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, nhạc sĩ và những người yêu thích loại hình diễn xướng dân gian từ khắp các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều này cho thấy, những làn điệu dân gian - vốn quý của dân tộc - vẫn được các thế hệ gìn giữ và phát huy giá trị. Với mục đích tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật thơ ca-lý-hò-vè, cuộc thi đã trở thành một sân chơi bổ ích để các thế hệ cùng nhau giao lưu, sáng tạo và lan tỏa vẻ đẹp của di sản này.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy giá trị của các loại hình diễn xướng dân gian một cách mạnh mẽ hơn, có sức lan tỏa rộng rãi, thiết nghĩ, Ban Tổ chức cần mở rộng quy mô cuộc thi nhiều hơn hướng đến các đối tượng trẻ để bảo đảm tính kế thừa, tăng cường quảng bá các tác phẩm xuất sắc và các phương tiện truyền thông, các hoạt động văn hóa cũng như hỗ trợ các nghệ nhân và tác giả trong việc ghi âm, xuất bản và phổ biến các tác phẩm được tham gia, đoạt giải.
Ngoài ra, việc đưa những tác phẩm thơ ca-lý-hò-vè vào trong trường học, cùng với những hình thức biểu diễn sáng tạo, hấp dẫn là điều rất cần thiết và cần được mở rộng, vì chính nơi đây sẽ giúp cho các loại hình lưu truyền và có sức sống mạnh mẽ theo thời gian.