Cần giải pháp đồng bộ để bứt phá

Đông Nam Bộ được xem là “đầu tàu” kinh tế số, xã hội số,... đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia. Tuy nhiên, vùng đang đối mặt hàng loạt thách thức có thể cản trở sự bứt phá, nhất là về hạ tầng giao thông, cơ chế phối hợp vùng; thiếu một chiến lược chung để khai thác, giải ngân đầu tư công chậm…
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh HOÀNG TRIỀU)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh HOÀNG TRIỀU)

Thực tiễn đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới và những giải pháp toàn diện nhằm bảo đảm cho vùng Đông Nam Bộ phát triển bền vững, tiếp tục giữ vững vai trò “dẫn dắt” trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Hiện nay, hạ tầng giao thông được xem là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất của vùng. Mặc dù là trung tâm giao thương và logistics của cả nước, song hạ tầng giao thông tại Đông Nam Bộ vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Sự thiếu đồng bộ trong kết nối giữa các tỉnh, nhất là giữa các khu công nghiệp, cảng biển và sân bay quốc tế gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng. Một số tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện khiến chi phí vận tải nói riêng, logistics nói chung cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Đông Nam Bộ cũng như cả nước.

Theo thống kê, tại Việt Nam, chi phí logistics ước tính chiếm khoảng 16,8% GDP. Tỷ lệ này cao hơn so với các nước trong khu vực như Singapore (8,5%), Malaysia (13%), Thái Lan (15,5%), và mức trung bình toàn cầu (10,7%).

Ngoài ra, Đông Nam Bộ vẫn chưa thiết lập được cơ chế phối hợp đủ mạnh để xây dựng và thực thi chiến lược phát triển chung giữa các địa phương trong vùng. Việc hợp tác, liên kết (nội vùng, ngoại vùng) còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng không gian kinh tế thống nhất một cách tối ưu nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương và toàn vùng.

Trong khi rất cần những dự án đầu tư công để tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công tại Đông Nam Bộ thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước. Năm 2024, vùng chỉ đạt hơn 36,6% kế hoạch, trong khi con số này trên cả nước là khoảng 54,8%. Tình trạng này cho thấy sự trì trệ trong công tác triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm; từ đó ảnh hưởng đến tốc độ hoàn thiện các công trình giao thông, khu công nghiệp và dịch vụ.

Việc chậm giải ngân không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn mà còn kéo dài thời gian triển khai các dự án, gây lãng phí nguồn lực. Mặc dù là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước, nhưng ngành công nghiệp của Đông Nam Bộ phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giá trị gia tăng còn thấp. Phần lớn các doanh nghiệp FDI tập trung gia công, lắp ráp; trong khi các hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm có giá trị cao chưa được chú trọng… dẫn đến tính bền vững của ngành còn nhiều yếu tố đang lo ngại.

Để giải quyết một cách tổng thể, Đông Nam Bộ cần có chiến lược đồng bộ, tập trung vào nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đa dạng về gia tăng giá trị, tái cơ cấu mô hình tăng trưởng gắn với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách đầu tư công, phát triển công nghiệp xanh.

Vùng cần cấp bách xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kể cả các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy (các sông Đồng Nai, Sài Gòn) nhằm hoàn thiện kết nối vùng; xây dựng cảng biển, trung tâm logistics hiện đại. Đây là tiền đề để Đông Nam Bộ có thể xây dựng một nền tảng phát triển bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế vươn tầm khu vực trong kỷ nguyên mới.