Tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân dựa trên năm tiêu chí: Khả năng tiếp cận giáo dục đối với dịch vụ giáo dục ở trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân.
Theo kết quả khảo sát, điểm hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công đạt 4,65 điểm; điểm hài lòng của học sinh đạt 4,51 điểm (theo thang điểm 5). Nhìn chung, điểm hài lòng trên tất cả các tiêu chí được phụ huynh và học sinh đánh giá cao, với số điểm từ 4 điểm trở lên, ở mức từ hài lòng đến rất hài lòng.
Trong đó, điểm hài lòng chung của phụ huynh và học sinh đều đạt cao, nhất là ở tiêu chí về môi trường giáo dục, lần lượt đạt 4,69 điểm và 4,53 điểm. Ðiều này, chứng minh phần nào về cách thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập công bằng, minh bạch; mối quan hệ giữa các học sinh thân thiện, thân ái, đoàn kết; môi trường học tập an toàn, lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và sự mong đợi của phụ huynh.
Ðối với chỉ số hài lòng chung của phụ huynh và học sinh, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hài lòng chung của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công năm 2024 cao hơn so với năm 2023, đạt tỷ lệ 96,60% (năm 2023 đạt 90,2%); tỷ lệ hài lòng chung của học sinh đối với dịch vụ giáo dục công năm 2024 cao hơn năm 2023, đạt tỷ lệ 95,79% (năm 2023 đạt 90,6%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Nhìn chung, kết quả khảo sát hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 đã được cải thiện so với năm 2023, phần nào đã phản ánh một cách khách quan những nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục.
Cụ thể, việc ngành giáo dục thành phố nỗ lực triển khai thực hiện xây dựng "Trường học hạnh phúc", "Lớp học hạnh phúc"; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học; tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động giáo dục trải nghiệm, sáng tạo của học sinh để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Cùng với đó, ngành giáo dục cũng đẩy mạnh triển khai công tác phối hợp thường xuyên, mật thiết giữa nhà trường-chính quyền địa phương-gia đình-xã hội, từ việc học sinh bắt đầu tới lớp, tới trường mạnh khỏe đến việc học sinh trở về đến gia đình an toàn.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, những bất cập mà ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn phải đối diện là khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, khi ở tiêu chí này cả điểm hài lòng chung của học sinh và phụ huynh đều đạt tỷ lệ thấp, lần lượt đạt 4,48 điểm và 4,6 điểm.
Ðiều này được lý giải, do tốc độ gia tăng dân số của thành phố nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học. Mặc dù đã được các ngành, các cấp hết sức quan tâm, hỗ trợ, nhưng tốc độ mở rộng quy mô trường lớp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của người dân.
Diện tích sân chơi trong trường còn thấp, sĩ số học sinh/lớp cao, tỷ lệ học hai buổi/ngày chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh thành phố. Ðó cũng là rào cản, là thử thách lớn nhất đối với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðể khắc phục khó khăn về cơ sở trường lớp, đáp ứng ngày càng tốt hơn chỗ học cho con em trên địa bàn thành phố, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường.
Ðồng thời, tiếp tục tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học; quan tâm đến việc xây dựng, nâng cao diện tích sân chơi, bãi tập và tăng cường mảng xanh cho các nhà trường.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần bố trí đất cho mục đích mở rộng quy mô trường, lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân địa phương, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học; tập trung ưu tiên tăng tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày và giảm sĩ số, bảo đảm việc thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.